Lũ về cũng là lúc hàng chục hộ dân ở Quảng Nam đổ ra bờ ruộng, hay men theo những tuyến đường liên thôn để giăng rớ bắt cá.





Sáng 15/12, một số vùng thấp trũng ngập sâu ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nước cơ bản đã rút. Người dân địa phương bắt đầu với công việc khắc phục hậu quả sau lũ.



Tuy nhiên, theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, lúc 2h sáng ngày 15/12, mực nước trên sông Tam Kỳ là 1,84m (trên mức báo động 1 là 0,14 m); dự báo mực nước trên sông Tam Kỳ tiếp tục lên nên một số vùng vẫn còn bị ngập, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt của người dân.



Ven các con sông, tuyến đường ở các xã Đại An, Đại Cường,… của huyện Đại Lộc, người dân tập trung thành từng nhóm để thả lưới bắt cá mùa nước nổi.



Chỉ cần 1 tấm lưới nhỏ và 4 thanh tre kết lại đã có thể tạo ra một chiếc rớ dùng để bắt cá.



Nhiều người bất chấp dòng nước chảy xiết, ngâm mình dưới mưa hàng giờ để bắt cá. “Đây cũng là một thú vui ngày lũ của anh em tụi tôi, cá bắt được tuy không nhiều nhưng mọi người vẫn cứ thích được chính tay bắt cá”, anh Mạnh – một người bắt cá nói và cho hay mồi để bắt cá thường là cám gạo rang chín.



Nhiều người đánh liều ngâm mình dưới dòng nước lũ để đánh cá. “May mắn lắm mới đánh được cá to, chứ đánh cá theo hình thức kéo rớ này đa phần chỉ được những chú cá nhỏ”, anh Hoàng Trung chia sẻ và cho hay cá đánh được không mang bán mà để dành cho gia đình cải thiện bữa ăn ngày lũ.



Theo bố đánh cá cũng là niềm vui của những trẻ em ở xã Đại An. Khi rớ vừa được cất, em nhỏ này nhanh tay dùng một chiếc ca để xúc cá.



Dưới cơn mưa tầm tã, những nông dân này vẫn tìm được niềm vui khi tự tay đánh cá mang về chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.



“Cứ vài ba phút rớ được kéo lên. Có khi được nhiều cá và cũng lắm lúc là tấm lưới trống trơn”, một thợ chài nở nụ cười, nói.



Sau một đếm chống chọi với lũ ngập nhà, những nông dân này lại cùng nhau tìm thú vui bằng cách đánh cá ngay trên đường.



Một xóm nhỏ ở xã Đại An ngập sâu, người dân tập trung giàn trận bắt cá.
Trước đó, tối 14 rạng sáng 15/12, nhiều vùng ở Quảng Nam ngập sâu trong nước. Hàng chục hộ dân phải trắng đêm canh lũ.


Đức Phương (Zing)