Nhật Tuấn,
người viết cáo trạng xã hội Việt Nam




Sáng đi làm, nghe cậu em từ Việt Nam gọi điện thảng thốt báo tin “ông Nhật Tuấn mất rồi!”, như một thói quen, tôi bật ra câu “đã kiểm chứng chưa?”, rồi tôi cũng phải tự gọi điện thoại để kiểm chứng vì cái tin này khá “sốc” với riêng tôi. Lòng chùng xuống vì bàng hoàng, một con người nhanh nhẹn, khỏe khoắn và tràn nhiệt huyết như anh mà bỗng ra đi đột ngột vậy sao?

Tôi và anh Nhật Tuấn không hẳn là thân, nhưng hồi còn ở Việt Nam thỉnh thoảng hai anh em gặp nhau đều vui vẻ đi uống café hoặc anh rủ về căn nhà ở Gò Vấp bằng giọng xởi lởi “về nhà tao nhậu chơi”. Tôi cũng đã lên “biệt xá” của anh ở Tân Uyên, Bình Dương, giữa vùng cao su bạt ngàn. Nhà anh rộng rãi thênh thang với giàn hoa giấy rực rỡ, chiếc hồ cạn nước và một chú chó to tướng. Anh lăng xăng vào bếp làm thức ăn, chiếc tủ lạnh to, chứa đủ thứ thực phẩm, có lẽ anh đi chợ một lần cho cả tháng ăn uống.

Dáng anh thấp đậm chắc nịch nhưng nhanh nhẹn, tưởng chừng không cạn năng lượng bao giờ. Văn cũng như người, kiểu viết của anh cũng như đời sống anh: ào ạt, tới tấp… thoạt xem đã thấy cái cách bỗ bã, xởi lởi, toang toác, không ngại va chạm như một anh hai Nam Kỳ, nhưng đọc một số truyện ngắn lại thấy chất Bắc Kỳ sâu lắng, những xúc cảm nhẹ nhàng vẫn dạt dào.

Nhật Tuấn viết khỏe, Blog và Facebook của anh luôn đầy ắp những truyện ngắn, truyện dài, những mảng ký sự ngồn ngộn sức sống và cả những tấm ảnh những cô gái xuân xanh mơn mởn. Ở Nhật Tuấn, ta thấy một người đàn ông hóm hỉnh, tinh quái do quá trải đời và cả một thanh niên hăm hở lao vào cuộc sống. Blog của anh nổi tiếng vì những loạt bài: “Hẻm buôn chuyện”, “Chân dung hay chân tướng nhà văn”, và rất đặc sắc là “Yêu, thời đồ đểu” với những câu chuyện về ông đại tá về hưu, cô Phượng Cave, bà bí thư, ông chủ tịch huyện… Facebook có lẽ cũng là thứ gây nghiện cho anh, Nhật Tuấn siêng năng “like”, “comment” và khoe ảnh những chuyến đi, anh hồn nhiên kể đủ thứ chuyện trong nhà, góc bếp lẫn những thù tạc với bạn bè… Tấm ảnh chân dung có lẽ sau cùng của anh trên Facebook là ảnh anh vừa trở về “trang trại Bình Dương”, mặt mũi tươi tỉnh phơi phới, ở xe gắn máy còn treo lủng lẳng bịch đồ ăn.

Nói về văn của Nhật Tuấn quả thật khó có thể tóm tắt trong vài mươi dòng. Nghe tin anh mất, tôi mở trang blog của anh và như một dự cảm, truyện ngắn sau cùng anh post lên cách đây 2 tuần là truyện “Vĩnh biệt chim én”. Với giấc mơ trong trẻo về một cô gái ngày xưa cùng chiếc xe điện cũ kỹ ở Hà Nội: “Anh ơi, mình sang bên kia sông đi…”. Cô rủ rê anh mỗi khi hai người ngồi bên bờ sông Hồng vào mùa nước cạn. Gió thoang thoảng đưa lên mùi phù sa từ dưới mặt sông, thành phố sau lưng dường như đã chết hết, chỉ còn lại có hai người . Cô tựa đầu vào vai anh, chỉ cho anh coi những con chim én chao liệng trong bầu không khí trong vắt của buổi chiều. Anh thì thầm bên tai cô: “Yến ơi, từ nay anh gọi em là “én” nhé. Một con én không làm nên mùa xuân nhưng chỉ một mình em cũng đã thành thiên đường cho anh rồi…”. Giấc mơ của nhân vật trong truyện bị bà vợ ngắt ngang, cũng như nhân vật “Yến” ngày xưa nay đã thành một hiện thực phũ phàng. Vĩnh biệt chim én cũng là lời vĩnh biệt của Nhật Tuấn với cõi nhân gian, nhẹ nhàng như bỏ một cuộc chơi.

Trước khi quen Nhật Tuấn, tôi đã đọc vài cuốn tiểu thuyết của anh, đọc báo thấy nhiều người nhắc đến tên anh. Nhưng dĩ nhiên, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi và nhiều người đọc vẫn là tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã”, tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong văn học Việt Nam hiện đại. Nói về tác phẩm này, một người vợ cũ của ông viết: “Tiểu thuyết viết theo kết cấu cổ điển. Câu chuyện bóc dần những bản năng âm u, sự tha hóa của con người trên hành trình, càng đi càng dấn sâu vào nơi vô định hoang dã. Vế sau của lời nhận xét này chính là “độ lớn”, là tầng ngữ nghĩa thứ hai của tác phẩm. Đi về nơi hoang dã là gạch nối – kết thúc “trường phái” sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được tụng ca trước đó, đồng thời nó là cuốn thành công nhất trong nhóm những tác phẩm được mệnh danh văn học phản kháng (Ly thân, Thiên đường mù…), tồn tại gần chục năm sau thì tự hết”.

Còn nhà thơ Trần Mạnh Hảo, một người bạn thân của Nhật Tuấn từ Canberra, khi biết anh qua đời đã viết: “Tuấn đã để lại cho hậu thế cuốn tiểu thuyết bất hủ: ” Đi về nơi hoang dã” – một truyện dài với lối viết ám chỉ, ma mị, thực hư lẫn lộn nhưng thâm hậu, sâu sắc lên án thời “đồ đểu”, cái thời bọn lưu manh đưa đất nước về thời hoang dã cộng sản nguyên thủy! Vậy là đủ rồi, văn nghiệp của bạn lớn rồi, không cần những ‘Trang mười bảy’ thơ mộng xưa…”.

Một người khác thì nhận xét: “Đi về nơi hoang dã là một tiểu thuyết có sức ám ảnh lớn nhất. Những đối thoại trong tiểu thuyết này giàu sắc thái, đa dạng, phù hợp với tính cách của từng nhân vật. Nếu đọc kỹ, sẽ thấy vấn đề đặt ra trong tiểu thuyết này vô cùng lớn và gai góc. Sự phí hoài đáng sợ nhất là phí hoài con người (năng lực, tuổi trẻ, hạnh phúc) vào những điều vô nghĩa, lầm lẫn. “Giật mình ngoảnh lại thấy mình tay không”, nỗi buồn ở đây xót xa, thấm thía và tuyệt vọng, vì mỗi một con người chỉ có một cuộc đời”.

Riêng với Nhật Tuấn, với cái tếu táo bất cần, ông kể về tác phẩm:

“Năm 1990, sau khi được Nguyễn Văn Linh cởi trói, đa số các nhà văn tranh luận ỏm tỏi trên các diễn đàn. Tôi cứ im như thóc khiến nhà văn Dương Thu Hương phải chửi: “Cái thằng mất dậy này mặc kệ thiên hạ đấu đá, cứ ngồi trong xó tối quẳng ra các của thối tha…”. Vâng, một trong các của thối tha ấy là cuốn “Đi về nơi hoang dã” này đây. Nói chẳng ai tin, sự thực tôi viết nó phần lớn trong… toa lét. Hồi đó hai vợ chồng với con nhỏ quây quần trong căn phòng xép 12 mét vuông tại Chi nhánh NXB Văn Học. Buổi tối vợ con ngủ, sợ ảnh hưởng tới giấc ngủ, tôi mang chiếc máy chữ cà khổ vào toa lét đóng chặt cửa lại và viết “Đi về nơi hoang dã”. Không hiểu khi đọc, bạn có thấy bốc mùi chuồng chồ không? Viết được 2 chương, ông bạn chí cốt là nhà văn Tùng Điển, nay là quan lớn Hội Liên hiệp VHNT, Hà Nội vào chơi. Tùng Điển đọc xong, nhìn quanh, phán một câu xanh rờn: “Mày chỉ thoát được bằng văn chương chương …” Viết xong cả cuốn đưa Nguyễn Khải đọc. Vài hôm sau, sáng sớm đã thấy Nguyễn Khải hộc tốc đạp xe tới trợn mắt: “Mày viết thế này… nó bắt… nó bắt…” ... (hết trích)

Còn tôi, tôi thấy tiểu thuyết “Đi về nơi hoang dã” là lời cảnh tỉnh của một con người thiết tha với đời sống đối với cái xã hội mà con người ta cứ nhao nhao, hăm hở tiến về một cái đích mù mờ hoang tưởng, một nơi thăm thẳm giữa chốn u minh. Tất nhiên, cái đám người hăm hở ấy đang bị dẫn dắt bởi những kẻ cũng không biết đích đến ở đâu, ra sao… Cuối cùng cũng chỉ đến một nơi hoang dã, hoang dại như tình hình xã hội Việt Nam hôm nay.

Từ năm thế kỷ trước, nhà văn Thomas Moore đã viết về một xứ không tưởng là Utopia. Nhưng cái xứ Utopia của Thomas Moore là một đích đến đầy nhân văn của loài người. “Đi về nơi hoang dã” và rất nhiều truyện ngắn của Nhật Tuấn lại là một bản cáo trạng với những kẻ đang đưa xã hội Việt Nam vào chốn hoang tàn, man dã. “Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn viết đã lâu và dựa vào chính trải nghiệm của anh, những chi tiết ghê rợn trong truyện hoàn toàn có thực (theo lời bà vợ cũ); còn những truyện ngắn, tản văn, chân dung văn học khác của anh là những quan sát sâu sắc, tinh tế của một con người mẫn cảm và yêu cuộc sống xiết bao. Nhật Tuấn là một trong những nhà văn hiếm hoi của Việt Nam hiện nay dám mạnh mẽ lên tiếng phản bác cái xấu, ông cũng không ngần ngại giao du, kết bạn và cổ xúy cho những người có quan điểm đối lập với nhà cầm quyền.

Vĩnh biệt anh Nhật Tuấn, một ngòi bút quả cảm và dễ mến.
Uyên Vũ
Saturday, October 10, 2015