HOUSTON, Texas (NV) – Một phi thuyền robot làm nên lịch sử hôm Thứ Năm, 22 Tháng Hai, trở thành phi thuyền do tư nhân chế tạo đầu tiên đáp xuống mặt trăng, cũng như là của Mỹ đạt được kỳ tích sau hơn 50 năm.


Phi thuyền robot này mang tên Odysseus, do công ty Intuitive Machines chế tạo, đã hạ cánh lên mặt trăng vào khoảng 6 giờ 23 phút chiều, giờ miền Đông, trở thành phi thuyền đầu tiên của Mỹ đáp trên “cung nguyệt” kể từ chiếc Apollo 17 hồi năm 1972.



Cảnh phóng phi thuyền Odysseus lên quỹ đạo hôm 15 Tháng Hai. (Hình: Gregg Newton/AFP via Getty Images)

“Houston, Odysseus vừa đến ngôi nhà mới,” ông Tim Crain, giám đốc kỹ thuật của công ty Intuitive Machines, tuyên bố trên hệ thống truyền thanh từ đài kiểm soát giữa tiếng nhân viên reo hò và ăn mừng.



Phải mất vài phút để xác nhận việc hạ cánh.


Khi phi thuyền hạ cánh, những người điều khiển chuyến bay, theo dự kiến, mất liên lạc với phi thuyền.


Công ty cho biết họ có thể phát hiện tín hiệu yếu từ một trong các ăng-ten của Odysseus, nhưng sẽ cần nhiều dữ liệu hơn để xác định cách hạ cánh, vị trí chính xác và liệu phi thuyền đáp thẳng đứng hay bị nghiêng.


Công ty cho biết đang nỗ lực tinh chỉnh tín hiệu và thu thập thêm thông tin.


Tình trạng của phi thuyền vẫn chưa được biết vào tối Thứ Năm.


Ông Stephen Altemus, tổng giám đốc Intuitive Machines, gọi đây là một “nỗ lực xuất sắc” và khen ngợi toàn bộ nhóm: “Tôi biết đây là một trục trặc đáng tiếc nhưng chúng ta đang ở trên bề mặt và đang truyền tín hiệu, chào mừng Odysseus đến mặt trăng.”


Ông Bill Nelson, tổng quản trị NASA, cũng chúc mừng và gọi cột mốc quan trọng này là một “chiến thắng.”


“Odysseus đã chiếm được mặt trăng,” ông Nelson nói trong một tin nhắn video được phát sóng trực tiếp về sự kiện này. “Chiến công này là một bước nhảy vọt khổng lồ của toàn nhân loại.”


Odysseus được phóng lên không gian vào ngày 15 Tháng Hai trên hỏa tiễn SpaceX Falcon 9. Phi thuyền cao 14 foot này sau đó bay hơn 620,000 dặm trong sáu ngày để đến mặt trăng.


Hành trình này là một phần trong chương trình Commercial Lunar Payload Services của NASA, được thành lập để hỗ trợ các công ty thuộc khu vực tư nhân phát triển phi thuyền lên mặt trăng. Cuối cùng, NASA có kế hoạch thuê các công ty này vận chuyển hàng hóa và dụng cụ khoa học lên bề mặt mặt trăng như một phần trong tham vọng lớn hơn của cơ quan là đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng.


NASA đã đưa kinh phí $118 triệu cho Intuitive Machines để thực hiện cuộc đổ bộ lên mặt trăng.


Ngoài việc là phi thuyền thương mại đầu tiên lên mặt trăng, Odysseus còn gia nhập một câu lạc bộ ưu tú khác: Đứng vào đội ngũ không gian thực hiện thành công việc đáp xuống mặt trăng cùng các quốc gia như Mỹ, Liên Xô cũ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật.