QUẬN CAM, California (NV) – Hoa Kỳ có số lượng xe hơi lưu thông trên đường phố cao nhất thế giới, cho nên tai nạn xe cộ cũng xảy ra nhiều nhất thế giới. Để tránh giảm nhẹ những phiền toái sau khi bị tai nạn xe, luật pháp qui định người Mỹ phải mua bảo hiểm. Tuy nhiên, không phải ai cũng quen thuộc với tiến trình yêu cầu bảo hiểm bồi thường sau tai nạn.



Trang mạng tin tức

www.usnews.com

vừa đăng tải một bài viết có nhiều thông tin hữu ích về tiến trình bồi thường bảo hiểm xe cộ, yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường thiệt hại về xe hoặc thương tích do tai nạn.





Không phải ai cũng quen thuộc với tiến trình yêu cầu bảo hiểm bồi thường sau tai nạn. (Hình minh họa: ROMAIN RIXHON/BELGA/AFP via Getty Images)


Điều quan trọng cần lưu ý là các yêu cầu bồi thường chỉ được giải quyết cho những tổn thất có trong hợp đồng bảo hiểm mà người lái xe đã mua. Ví dụ: bảo hiểm va chạm (collision) bồi thường thiệt hại cho xe va chạm với xe khác, hoặc đụng vào cây cối, cột đèn, hàng rào… Bảo hiểm thương tích cá nhân (PIP) thanh toán các chi phí y tế cho các thương tích do tai nạn.




Bảo hiểm toàn diện (comprehensive) chi trả cho những thiệt hại không phải do va chạm, thí dụ bao gồm xe bị phá hoại, hoặc thiệt hại liên quan đến thời tiết. Cần phải biết phạm vi mua bảo hiểm của mình trước khi yêu cầu bồi thường.



Người chủ hợp đồng bảo hiểm có trách nhiệm làm thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Các bước có thể được tóm tắt như sau:



1- Thu thập thông tin càng nhiều thông tin càng tốt về vụ tai nạn.


⦁ Lấy thông tin liên lạc và bảo hiểm của người lái xe có liên quan đến tai nạn. Lấy thông tin về bằng lái, thông tin về giấy đăng ký lưu hành xe, ghi lại biển số xe. Cách nhanh nhất và chính xác nhất là dùng phone chụp hình.


⦁ Thu thập thông tin liên lạc với nhân chứng nếu có.



⦁ Ghi lại thời gian, ngày tháng và địa điểm xảy ra tai nạn; mô tả ngắn về tai nạn. Ghi lại các tình tiết khi tai nạn xảy ra.


⦁ Chụp ảnh mọi hư hại của xe mình và các xe có liên quan; chụp ảnh khu vực xung quanh nơi xảy ra tai nạn.


Trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng, gọi cho cảnh sát đến lập biên bản, sau đó theo dõi để nhận báo cáo từ cảnh sát.


2- Liên lạc với công ty bảo hiểm.


Thông báo cho đại lý hoặc công ty bảo hiểm càng sớm càng tốt, cung cấp những thông tin thu thập về tai nạn đã kể trên. Nếu cần xe thay thế để đi lại, hãy hỏi xem xe thuê có được chi trả hay không và trong bao lâu.


Nhiều công ty bảo hiểm có nhiều cách khác nhau để thông báo và yêu cầu bồi thường tai nạn xe. Có thể gọi điện thoại, sử dụng các ứng dụng di động, vào trang web của công ty bảo hiểm để khai báo.


Sau khi hoàn tất việc thông báo, công ty bảo hiểm sẽ chỉ định một nhân viên phụ trách (insurance adjuster). Người này sẽ xem xét hợp đồng bảo hiểm xe, kiểm tra xe để đánh giá thiệt hại, thu thập thêm thông tin về thương tích cá nhân. Họ có thể đến xem xét địa điểm xảy ra tai nạn, xem báo cáo của cảnh sát, phỏng vấn các nhân chứng…


Sau khi xem xét hồ sơ, nhân viên bảo hiểm sẽ thảo luận với khách hàng về vấn đề trách nhiệm của các bên trong tai nạn, cũng như các lựa chọn sửa chữa và các chi phí khác.



3- Một số công ty bảo hiểm yêu cầu khách hàng thu thập thông và gửi ước tính chi phí cho việc sửa chữa xe. Sau đó, họ sử dụng những ước tính này cùng với báo cáo của nhân viên phụ trách để xác định số tiền sẽ trả. Khách hàng có thể nhận được ước tính chi phí từ tiệm sửa chữa do mình lựa chọn. Nếu xe vẫn hoạt động bình thường, có thể lái xe đến tiệm để đánh giá chi phí sửa chữa. Nếu xe không chạy được, có thể yêu cầu cử người đến để kiểm tra xe tại nhà.



4- Đem xe đi sửa chữa.


Thông thường, sau khi yêu cầu bồi thường được chấp thuận, chủ xe có thể chọn tiệm sửa xe để sửa; công ty bảo hiểm sẽ thanh toán chi phí cho tiệm. Cũng có thể chọn cách nhận check từ công ty bảo hiểm để tự mình lo liệu việc sửa xe. Nếu chiếc xe bị hư hỏng toàn bộ (total lost), công ty bảo hiểm sẽ gửi check với giá trị của chiếc xe để chủ nhân đi mua xe mới.



Việc yêu cầu đền bù cho tai nạn xe cộ thường dẫn đến tăng phí bảo hiểm. Nếu mình là người có lỗi trong vụ tai nạn, khả năng bị tăng phí là rất cao. Nếu mình không có lỗi, cũng có khi hãng bảo hiểm tăng phí tùy thuộc vào mức độ đánh giá rủi ro. Số tiền yêu cầu bồi thường cũng có thể ảnh hưởng đến việc tăng phí. Số tiền bồi thường cao, khả năng tăng phí càng cao.



Trong một số trường hợp, yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe có thể bị từ chối. Phổ biến nhất là hợp đồng bảo hiểm không bao gồm hạng mục bồi thường. Ví dụ, nếu xe bị hư hỏng do đụng vào gốc cây, nhưng hợp đồng không mua bảo hiểm “collision.”



Ngoài ra, nếu công ty bảo hiểm tin rằng khách hàng có ý gian lận khi yêu cầu bồi thường, họ có thể từ chối.



Trong trường hợp tai nạn có thương tích, nhiều chủ xe chọn giải pháp làm việc với một văn phòng luật sư trợ giúp trong tiến trình yêu cầu bồi thường.