Tại sao “nhức đầu?”


Mấy tháng nay cô Hoa bị chứng nhức đầu khiến cô nhiều đêm mất ngủ. Cô đã đi nhiều bác sĩ, kể cả bác sĩ chuyên môn về thần kinh, nhưng đâu vẫn vào đấy.


Thuốc uống vào, chỉ đỡ đôi chút. Điều quan trọng là các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân bệnh, các thử nghiệm đều bình thường. Hằng ngày cô vẫn đi làm, khi đau thì uống tạm thuốc giảm đau. Một ngày, chị em ngồi tâm sự trong giờ ăn trưa, đột nhiên có người khuyên cô Hoa nên đi khám bác sĩ T., có văn phòng ở thành phố lân cận.


Bác sĩ T. được nhiều người khen ngợi vì ông rất tận tâm. Biết đâu “phước chủ, may thầy.” Một buổi chiều, cô Hoa đến gặp bác sĩ T.


Sau câu chào hỏi, cô Hoa kể lễ bệnh trạng với bác sĩ. Bác sĩ T. chịu khó lắng nghe, không sợ mất thời giờ. Khi cô Hoa chấm dứt, bác sĩ hỏi liền một câu: “Cô có thường nhận thư từ Việt Nam?” (Hồi đó, liên lạc Việt Nam bằng phone chưa phổ biến và chưa có cell phone).


Cô Hoa ấp úng, ứa nước mắt gật đầu. Bác sĩ hỏi tiếp: “Có phải chứng nhức đầu có sau khi nhận thư Việt Nam?” Cô Hoa nói trong tiếng nấc: “Bác sĩ đoán đúng quá. Gia đình em ở Việt Nam chửi em quá trời vì không gởi tiền về. Mấy tháng trước, con em bị tai nạn gãy xương chân, em phải lo cho con nên không thể gởi tiền về.”


Bác sĩ T. nói: “Không phải một mình cô, nhiều người cũng bị như thế.” Thân nhân ở Việt Nam thường nói: “Con người ta gởi về mỗi tháng cả ngàn đô, còn con mình sao im re. Cho nên, cô đừng buồn, giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đi làm mới mong có tiền để viện trợ Việt Nam. Vợ chồng cô làm hăng thì không thể so với người có lợi tức hơn 100,000/năm. Cô lo cho thân nhân như vậy là quư lắm rồi. Con cái của cô sau này chỉ lo cho nó thôi, giống như phong tục của người Mỹ.”


Một tuần sau, bác sĩ T. nhận được thơ cám ơn của cô Hoa, nói rằng đã hết bệnh và đang đi làm overtime để gởi tiền về Việt Nam.


Tại lon bia


Vợ chồng anh Ba và mấy đứa con qua Mỹ mới được mấy ngày. Hôm nay, người bảo trợ chở cả gia đình đi lãnh tiền trợ cấp. Cầm trong tay mấy trăm đô mới có, anh Ba thấy hồi họp.


Xe chạy qua một tiệm với quảng cáo hình lon bia và câu: “This bud’s for you” (tạm dịch: Em bud của anh). Anh Ba không hiểu tiếng Mỹ, nhưng biết cái hình là gì. Anh vội kêu người bảo trợ ghé tiệm.


Bước vào, bước ra với mấy xâu bia, anh cười toe toét: “Phải uống cho đã, nhịn thèm lâu rồi.” Bà vợ không nói gì, nhưng xụ mặt.


Về nhà, anh Ba khề khà ngồi rung đùi, nhắp bia. Trong khi chị Ba than vắn thở dài, tiền mới có chút ít đã lo nhậu. Chị Ba nói gì thì nói, anh Ba cứ tiếp tục thoải mái.


Sau một lúc nghe vợ lải nhải, hết chịu nỗi, anh Ba đột ngột đứng lên, miệng chửi thề, tay liệng lon bia về chị Ba. Cái lon bay sớt qua mặt chị Ba, cắt một đường nhỏ, rướm máu.


Chị Ba ôm mặt khóc. Mấy đứa con cũng khóc. Vết thương của chị Ba tuy nhẹ nhưng anh Ba chạy sang hàng xóm cầu cứu. Ông này gọi 911 và sau 5 phút có xe cấp cứu đưa chị Ba vào bệnh viện.


Tại bệnh viện, ông hàng xóm trình bày câu chuyện theo lời kể của anh Ba và cảnh sát lập tức bắt anh Ba đưa vào nhà tù chờ xử về vụ án bạo hành trong gia đình.


Điện thoại văn phòng bác sĩ T. reo vang. Người gọi tự xưng là nhân viên y tế của nhà tù quận hạt, cần biết tin tức y khoa của bệnh nhân NVB, vì bệnh nhân không hiểu tiếng Mỹ nên việc giao tiếp khó khăn.


Bác sĩ T. mau mắn trả lời giúp anh Ba. Hôm ra tòa, quan tòa nghe câu chuyện, thông cảm cho người Việt Nam mới qua Mỹ, nên không phạt anh Ba. Ra tù, anh Ba hớn hở khoe: “Ở tù Mỹ thiệt sướng, phòng máy lạnh, ăn uống đầy đủ, chỉ thiếu bia.”


Thông dịch?


Cô Năm mới qua Mỹ nên mọi việc đều nhờ người quen giúp đỡ. Hôm nay, cô nhờ người thông dịch đưa đi bác sĩ Mỹ chuyên về sản phụ khoa. Người thông dịch đã ở Mỹ mấy chục năm và tự cho là giỏi tiếng Mỹ.


Tại văn phòng bác sĩ, mọi thủ tục giấy tờ đều do người thông dịch điền giúp. Cô Năm chỉ ký tên mà chẳng biết nội dung các giấy tờ hỏi gì. Đến giờ gặp bác sĩ, sau câu chào hỏi, bác sĩ hướng về cô Năm nói:


-Are you late? (Cô bị trể kinh?)


Cô Năm còn đang ú ớ, thì người thông dịch vọt miệng nói:


-No. We are on time, (Không. Chúng tôi đúng giờ).


Bác sĩ Mỹ trợn mắt vì không hiểu gì hết.


Khi về nhà, người thông dịch còn chống chế: “Ông bác sĩ này nói tiếng Mỹ khó nghe quá!” Lần tới kiếm ông khác.


Cô Năm ngẫm nghĩ: ông “thông dịch” này chẳng những là “không dịch” mà còn “mắc dịch,” đó là “dịch nổ.”