Con rùa kỳ lạ có màu vàng tươi được phát hiện trong một ao làng ở Tây Bengal, Ấn Độ.





Gần đây, nhà nghiên cứu động vật học Sneha Dharwadka đăng hình ảnh một con rùa quý hiếm lên Twitter và cho biết con vật bị mắc chứng bệnh giống bạch tạng nên ảnh hưởng đến màu sắc. Nó thuộc loài rùa mai Ấn Độ nhưng thay vì có màu xanh lục như bình thường, con rùa lại có màu vàng rực rỡ.

Dharwadka cho biết: "Đó là một dạng bạch tạng, có thể là do đột biết gen hoặc rối loạn bẩm sinh vì không có sắc tố tyrosine, khiến cho con rùa có màu vàng đặc biệt".

Rùa mai Ấn Độ thường được tìm thấy ở vùng Nam Á. Khi trưởng thành, chúng dài từ 23 đến 35 cm.

Hồi tháng 8, một con rùa vàng tương tự từng được phát hiện ở Nepal. Khi đó, nó thậm chí còn được so sánh với hóa thân của vị thần Hindi Vishnu. Kamal Devkota, chuyên gia về loài bò sát, cho rằng con rùa này có ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

Ông này nói: "Không chỉ rùa vàng mà những con vật có màu này đều có giá trị tôn giáo và văn hóa cao ở Nepal. Người ta tin rằng thần Vishnu mang hình dạng một con rùa khi cứu vũ trụ khỏi sự diệt vong".

Cả hai con rùa trên mới là con vật thứ 5 và thứ 6 mắc bạch tạng ở loài rùa được phát hiện cho đến nay.