Trong các phong trào chống Pháp của nhân dân ta trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918) thì cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám đứng đầu kéo dài lâu nhất (1883-1913) làm cho thực dân Pháp lo ngại nhất và tổn thất nhiều nhất. Đồng thời cũng có thể khẳng định rằng loại hình đấu tranh tự phát của nông dân Yên Thế tuy song song, tồn tại và phát triển cùng với phong trào Cần Vương chống Pháp (1885-1896), nhưng lại có trước, tồn tại lâu dài hơn, lại tương đối độc lập so với phong trào Cần Vương. Phong trào khởi nghĩa Yên Thế (1883-1913), xét về mặt ý nghĩa và tác dụng của phong trào đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, có một vị trí và vai trò vô cùng to lớn.

Phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế đã đánh dấu một thời kỳ quật khởi oanh liệt, chứng minh sức dự trữ hùng hậu của giai cấp nông dân trong lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc. Căn cứ Quyết định số 312/QĐ-BVHTTDL, ngày 26/1/2011, Công nhận di tích chùa Thông và đình Dĩnh Thép hai di tích gắn với hai sự kiện lịch sử trọng đại của phong trào Yên Thế được công nhận là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia.

Chùa Thông thuộc xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang là di tích ghi dấu về sự kiện hoà hoãn giữa thực dân Pháp và thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa Yên Thế lần thứ nhất. Cuộc hội đàm giữa Đề Thám và giám mục Vêlátcô năm 1894 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Năm 1892, sau khi tổ chứ tế cờ khởi nghĩa ở Đình Đông, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, Đề Thám đã ra sức củng cố lực lượng, khôi phục lại phong trào sau khi Đề Nắm bị sát hại. Việc năm 1894, Đề Thám bắt tên điền chủ người Pháp két tiếng SẹtXnay và tên thư ký LôGiu đã gây tiếng vang lớn trong dư luận đương thời. Thực dân Pháp phải nhờ giám mục Vêlátcô thương thuyết với nghĩa quân Yên Thế, cuộc đàm đạo kéo dài trong 15 ngày tại chùa Thông đến ngày 23/10/1894 hai bên đi vào thoả thuận: Ngưng chiến, thả hai người Pháp với tiền chuộc là 15.000 frăng; Đề Thám được cai quản 4 tổng: Mục Sơn, Yên Lễ, Nhã Nam, Hữu Thượng được thu thuế ở đó 3 năm; Ngày 24/10/1894, Pháp xe đến cho nghĩa quân 15 hòm bạc trắng và ngày 25/10/1894 hai người Pháp được thả tự do. Lịch sử ghi nhận đây là cuộc hoà hoãn lần thứ nhất giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp.

Đình Dĩnh Thép, thuộc xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, là công trình kiến trúc được xây dựng từ xa xưa đến triều Nguyễn niên hiệu Thành Thái thứ 9 (năm 1907) Đề Thám đã cho tu sửa tôn tạo ngôi đình gồm ba gian hai chái kiến trúc kiểu chữ đinh. Đình Dĩnh Thép là nơi diễn ra Hội nghị quan trọng của nghĩa quân Yên Thế: Hội nghị được triệu tập vào ngày rằm tháng bảy năm Mậu Tý – tức ngày 22-8-1888 gồm các thủ lĩnh đã tập trung về đây để dự họp. Hội nghị đã cử ra một Bộ chỉ huy kháng chiến gồm: Bá Phức làm tổng thống quân vụ, tức Chánh tướng, Đề Nắm làm tả dực tướng quân tức phó tướng, phụ trách hậu cần. Đề Thám làm hữu dực tướng quân tức phó tướng chỉ huy tiền quân. Tại đình Dĩnh Thép năm 1894, Đề Thám cho bắt tên điền chủ người Pháp két tiếng SẹtXnay và tên thư ký LôGiu buộc giặc Pháp phải thương thuyết để đi đcến kết quả như đã nói ở trên.

Năm 1895, thực dân Pháp bội ước, phá bỏ mọi thỏa thuận tại chùa Thông và đưa quân lên đánh chiếm, đòi Đề Thám phải đầu hàng. Cuộc đấu tranh của nghĩa quân Yên Thế còn bền bỉ, kéo dài gần 20 năm đến năm 1913 với tinh thần chiến đấu quả cảm anh dũng. Và chùa Thông, đình Dĩnh Thép là những di tích lịch sử, là chứng tích của cuộc đấu tranh của những người con chính nghĩa của dân tộc.