Trầm ngâm
bên quán cà phê Sài Gòn xưa


Cây cà phê không phải ở đâu trồng cũng được. Nhưng quán, tiệm cà phê thì ở đâu cũng có. Sài Gòn bao năm chiến tranh và hòa bình liên tục xuất hiện vô số quán, tiệm cà phê từ bình dân đến sang trọng, từ rẻ tiền đến đắt tiền, từ ồn ào đến lặng lẽ và kể cả từ tối hù đến sáng trưng. Tựu chung có thể Sài Gòn còn thiếu nhiều thứ, nhưng riêng quán, tiệm cà phê thời nào cũng không thiếu. Đơn giản, bởi đó là nơi để ngồi và để nhâm nhi giọt đắng thơm lừng hương vị không thể lẫn vào đâu được vốn dĩ ngày càng trở thành thói quen của nhiều người, kể cả không ít phụ nữ




Không chỉ cà phê mà còn chỗ ngồi

Bất kỳ người nào từng trầm ngâm cùng cà phê Sài Gòn cũng đều dễ dàng đồng ý cà phê nói chung là một loại thức uống không phải để giải khát, mà là để đánh thức, làm sống động tinh thần – nhất là sau một đêm ngủ vùi trong hạnh phúc hoặc không hạnh phúc. Nếu ai ghiền cà phê thiển nghĩ đó là cái ghiền dễ thương, không hề gây hại, gây khổ cho người xung quanh như ghiền rượu bia, ma túy, cờ bạc. Hầu như người ghiền cà phê thường ghiền luôn cái chỗ ngồi uống cà phê. Trong hai cái ghiền này, cái ghiền nào quan trọng hơn tùy từng người. Có quán, tiệm cà phê pha chế rất ngon, chỗ ngồi lịch thiệp nhưng khách vào và ra chớp nhoáng. Có quán, tiệm chỗ ngồi lùi xùi, bàn ghế thô mộc nhưng khách vào “như nước sông Đà”, khách ra “như giọt cà phê phin”, lúc nào cũng kín bàn kín ghế.

Không ai uống cà phê mà bị say xỉn như uống rượu bia. Nên trong quán, tiệm cà phê rất kỵ nói, cười, văng tục lớn tiếng tưởng quê nhà nào cũng là nhà quê. Đây dường như là sự khác biệt khó nhận ra giữa cà phê Sài Gòn ngày xưa và cà phê Sài Gòn ngày nay đối với những ai chưa trải qua trầm ngâm cùng cà phê Sài Gòn chí ít khoảng từ 40 năm trở lên, tính đến khi đọc bài viết này. Vào quán, tiệm cà phê Sài Gòn mà nói oang oang, cười hô hố, văng tục ỏm tỏi, a lô a lô như tại tư gia cầm bằng không khác gì trường hợp “giàu mà không sang” – dù tiền uống cà phê thua xa tiền ăn nhậu.

Bằng hữu đồng lứa tuổi trên “60 năm cuộc đời” cho rằng tôi có thâm niên nhất trong đám về cái khoản trầm ngâm cùng cà phê Sài Gòn. Có lẽ do tôi đã ghiền cà phê và ghiền luôn thú ngồi quán, tiệm cà phê ở Sài Gòn từ năm 1963 liên tục dài dài xuyên suốt cho tới giờ. Nhờ vậy mà được tiếng gắn bó với quê hương trong ý nghĩa “con thảo không chê cha mẹ nghèo”.

Trong khi bằng hữu của tôi đứa nào cũng thật lòng muốn được vậy, nhưng vì một thời khổ quá, sự sống và lẽ sống không như ý, nên hầu hết đều lần lượt trở thành “mây bốn phương trời”, đôi ba năm mới có điều kiện quay về cùng tôi trầm ngâm cà phê Sài Gòn mười ngày, nửa tháng rồi lại ra đi cùng trời cuối đất vì nợ áo cơm và vì bao điều ràng buộc của kiếp nhân sinh.



"Mai tao đi, mày ở lại"

Không biết có phải vì tuổi tác gia tăng thường kéo theo nỗi niềm hoài niệm một thời đã xa hay không mà hầu như bạn bè tôi mỗi khi có dịp tái ngộ thường hay nhắc lại, nhớ về những địa chỉ cà phê Sài Gòn xưa. Làm sao liệt kê cho hết tiệm, quán cà phê Sài Gòn xưa được cho là nổi tiếng khi mà chỗ ngồi uống cà phê phụ thuộc ý thích, ý muốn từng người và từng nhóm người. Chưa nói có khi sự nổi tiếng chỉ là giai thoại hoặc chỉ là sự thật của người này mà không phải là sự thật đối với người kia.

Cà phê Sài Gòn ngày xưa cũng muôn mặt lắm trong một không gian chung bình yên tạm thời được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông” ngày đêm bị vây bủa bởi vô vàn tin tức chiến sự đẫm máu diễn ra cách đó không bao xa. Dường như vì vậy nhìn chung cà phê Sài Gòn xưa luôn chứa đựng đầy ắp sự lịch sự trong từng cử chỉ nhỏ, nhưng thường tràn ngập sự đăm chiêu, trầm ngâm khó tả, tựa hồ bóng dáng chiến tranh quyện trong khói thuốc, quyện trong tách cà phê nóng hổi và rồi lơ lửng trên đầu nhiều người ưa ngồi quán, tiệm cà phê để gặp gỡ bày tỏ, tranh luận và không ít trường hợp chỉ để nói câu “mai tao đi, mày ở lại ráng sống qua cuộc chiến này”. Rồi người ra đi mãi mãi không trở về, mặc cho cây cà phê bao mùa trổ hoa, mặc cho người ở lại trầm ngâm kéo dài nỗi nhớ thương bên tách cà phê lúc sớm mai, khi chiều hôm.



Những thương hiệu của một thời

Với dấu ấn như vậy, đến cà phê La Pagode ở góc đường Lê Thánh Tôn – Tự Do (nay là Đồng Khởi) gặp nhiều khuôn mặt nhà văn, nhà thơ kiêm nhà binh. Đến cà phê Givral góc Lê Lợi – Tự Do gặp nhiều nhà báo, phóng viên chiến trường của các hãng thông tấn quốc tế, trong đó có nhà báo Phạm Xuân Ẩn, tay lúc nào cũng có điếu thuốc và miệng lúc nào cũng nhả khói, đối đáp ào ào bằng tiếng Anh với các đồng nghiệp râu ria xồm xoàm, áo giáp, máy chụp, máy quay kè kè bên mình. Đến cà phê Brodard góc Nguyễn Thiệp – Tự Do gặp nhiều gương mặt chưa thôi hướng về trời Tây hoài niệm một thời vàng son “Bonjour Monsieur”, “Bonjuor Madame”, kể cả sau khi Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương Nguyễn Cao Kỳ ra lệnh cấm các trường dạy chương trình Pháp, cùng lúc cho thiết lập “pháp trường cát” trước chợ Bến Thành xử bắn trùm lúa gạo Tạ Vinh về tội “đầu cơ” để mọi người được nhìn thấy tận mắt.

Cả ba địa chỉ cà phê nêu trên đều cùng tọa lạc ở những vị trí đẹp nhất trên con đường Tự Do thẳng tắp với hai hàng cây cổ thụ giờ vẫn còn gần như nguyên vẹn. Nhưng cả ba địa chỉ cà phê lâu đời này đã lần lượt bị khai tử, đầu tiên là La Pagode bị khai tử vào năm 1987. Khá nhiều bài báo đã viết về sự kiện này, nhưng biết sao hơn khi nhận thức thay cũ đổi mới được thực thi một cách bò sát, có khi thuần túy chỉ vì chút tiền “xơi liền” mà thôi.



Quán cà phê BRODARD ngày trước

Tuy nhiên, cà phê Sài Gòn xưa không phải chỉ có bấy nhiêu địa chỉ đó. Còn nhiều địa chỉ khác. Ví dụ ở khu vực Ngã ba ông Tạ có cà phê Thăng Long nằm trong con hẻm khá rộng dắt vô tòa soạn nhật báo Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm (bút danh Thiên Hổ). Đến đây gặp nhiều khuôn mặt cộm cán trên “trường văn trận bút” gốc Bắc di cư 1954 và kể cả vài tên tuổi giang hồ mặc áo lính cùng gốc, như Sơn Đảo (Vũ Đình Khánh) chẳng hạn. Đến khu vực Bàn Cờ, phía gần đầu đường Nguyễn Thiện Thuật tiếp giáp với đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai Q.3) có con hẻm rộng dẫn vô cà phê Năm Dưỡng uống là ghiền vì nghe nói có tuyệt chiêu riêng, đủ sức hấp dẫn nhiều vị khách ban ngày làm dân, ban tối làm vua, nhưng là làm vua trên sân khấu. Rong xe vô khu vực Q.10, gần nhà máy bia, sân banh, trên đường Đào Duy Từ khá rộng và yên tĩnh có cà phê Đa La mở cửa từ sáng sớm tới tối khuya lúc nào cũng đầy khách, đa phần là các chú em học trò những trường Chu Văn An, Petrus Ký sắp thi Tú tài 1 hoặc Tú tài 2, thảy đều bắt chước nhau hút thuốc lá Batos xanh khét lẹt, mặt mũi thường trực vẻ ưu tư bởi mấy câu vè“rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con, mai này thống nhất nước non, anh về anh thấy Mỹ con đầy nhà”. Chiến tranh sản sinh bao nỗi ám ảnh khó ngờ là vậy!




Trong một quán cà phê ngó ra đường Catinat (Đồng Khởi) bây giờ.
Ảnh chụp năm 1948


Còn một địa chỉ cà phê nữa, rất quen thuộc với nhiều nhà báo quốc nội, nhưng sau 1975 ít thấy nhắc tới. Đó là cà phê Nam Thái tọa lạc đầu con hẻm trên đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Trãi Q.1) thông qua đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng Q.1). Ông chủ tiệm ốm nhom, bà chủ tiệm mập ú, cả hai rất thích nuôi chó mèo. Trên đường Võ Tánh, đoạn từ Ngã Sáu Phù Đổng đến nhà thờ Huyện Sĩ, có nhiều tòa soạn, nhà in báo. Vì vậy, khách uống cà phê Nam Thái hầu hết đều trong làng báo. Ngồi ở đây khỏi cần bỏ tiền ra mua báo đọc cũng biết đủ thứ tin tức trên trời dưới đất.

Tôi đến cà phê Nam Thái lần đầu tiên theo cuộc hẹn của Duyên Anh. Sau đó tiếp tục đến nhiều lần, gặp gỡ nhiều nhà báo mà mãi về sau này mỗi lần chợt nhớ tôi vẫn không nguôi lòng trân quý. Bởi, như tôi biết, đó là những nhà báo thường trầm ngâm cùng cà phê Sài Gòn để có cho được sự trung thực, sòng phẳng với bản thân và với cuộc đời trước mỗi bài viết ký tên mình.

Cà phê Sài Gòn xưa luôn chứa đựng đầy ắp sự lịch sự trong từng cử chỉ nhỏ, nhưng thường tràn ngập sự đăm chiêu, trầm ngâm khó tả, tựa hồ bóng dáng chiến tranh quyện trong khói thuốc, quyện trong tách cà phê nóng hổi và rồi lơ lửng trên đầu nhiều người ưa ngồi quán, tiệm cà phê để gặp gỡ bày tỏ, tranh luận và không ít trường hợp chỉ để nói câu “mai tao đi, mày ở lại ráng sống qua cuộc chiến này”.

Đến cà phê Givral góc Lê Lợi – Tự Do gặp nhiều nhà báo, phóng viên chiến trường của các hãng thông tấn quốc tế, trong đó có nhà báo Phạm Xuân Ẩn, tay lúc nào cũng có điếu thuốc và miệng lúc nào cũng nhả khói, đối đáp ào ào bằng tiếng Anh với các đồng nghiệp râu ria xồm xoàm, áo giáp, máy chụp, máy quay kè kè bên mình.

(Theo DDVN)
baomoi online