Giang hồ Sài Gòn và những trận thư hùng đẫm máu cho đến này nhiều người còn sống thời kỳ đó vẫn còn ám ảnh. Sau ngày 1/11/1963, là cái ngày đảo chính anh em Diệm – Nhu, tại Sài Gòn đã mở toang cánh cửa cuối cùng cho hàng trăm băng nhóm túa ra, chẳng khác gì nấm mọc sau mưa. Chém giết nhau như com bữa để tranh giành ảnh hưởng...

Giang hồ như nấm sau mưa

Quận 1 là khu vực màu mỡ do “Tứ đại thiên Vương” Lê Đại – Huỳnh Tỳ - Ngô Văn Cái – Nguyễn Kế Thế chia nhau cai quản, đám lâu la đông hàng trăm tên, trong đó có những tên khét tiếng như A “chó”, Hải “sún”, Lâm “khùng” (tức Lâm “chín ngón” sau này), Lương “chột”, Hùng “đầu bò”, Việt “Parker”, Đực “đen”.

Khu vực quận 3 có Minh “nhảy dù”, Cẩm “Mambo”, Lâm “thợ điện”, Hùng “mặt mụn”, thủ phạm đâm chết Lâm “thợ điện” ở bệnh viện Từ Dũ bằng con dao cắt bánh mì.



Cảnh sinh hoạt đường Đồng Khánh, Chợ Lớn. (Ảnh tư liệu).

Khu vực quận 5 hướng chợ Nancy rồi Đại Thế Giới (đường Trần Hưng Đạo ngày nay) là lãnh địa của những trùm giang hồ người Hoa: Tín Mã Nàm (Nàm Chẩy), Sú Hùng, Hổi Phoòng Kiên, Trần Cửu Can, Ngô Tài, dưới trướng tập hợp đám lâu la đông hàng trăm tên từ những đội lân, hội tương tế như Cụ “biên”, Dương Tấn Hoa, Sơn “Nhật Bổn”…

Qua “vùng tam giác đen” Cầu Mống – khu Dân Sinh – Cầu Ông Lãnh mà dân giang hồ gọi là “khu da heo” do tập hợp hàng trăm người chuyên mổ, mua bán, chế biến thịt heo, là lãnh địa của đám “cao bồi” Tư Ngang, Hải “chùa”, Phong “khùng”.

Khu Đa Kao – cầu Sắt là lãnh địa của Chà Và Hương, tức võ sĩ Nguyễn Phi Hoàng thuộc “lò Nguyễn Nhiều” ở cầu Sơn, Thị Nghè; Sáu “nhỏ”, tức Trần Văn Trọng, võ sĩ “lò Kid Dempsey”; Triệu “lùn”, du đãng Gia Định hùng cứ khu “lò heo”; chạy dài tới Lăng Ông – Bà Chiểu có băng của Phillip, Hải “cơ hàn”, Thu “trắng”, Petit Tân, Phú “Salem”…

Từ “3 vua” …

Rạp hát nổi tiếng Aristo thuộc gánh hát Kim Chung, do bầu Long cai quản trên đường Lê Lai là “đại bản doanh” 3 tay anh chị Ngô Văn Cái, Nguyễn Kế Thế, Huỳnh Tỳ.

Bầu Long di cư vào miền Nam năm 1954 kéo theo nhiều tay dao búa từ Hà Nội vào làm “bảo vệ”. Đám này sau đó nhập chung dưới trướng Huỳnh Tỳ.

Trong 3 “ông vua” giang hồ ở đây do Huỳnh Tỳ đứng đầu. Hắn vốn xuất thân từ lơ xe đò đường dài và đã học được nhiều kinh nghiệp bảo kê, cướp bóc khắp các vùng khác.

Về đây, bằng dao búa, đâm chém, Huỳnh Tỳ ngoi lên thành ông trùm. Ban đầu, liên minh Tỳ - Cái – Thế khá yên ổn “làm ăn”, chúng thường tụ tập uống rượu, đánh bài suốt ngày tại rạp Aristo nên được gọi là băng “Aristo”.

Cách đó không xa là khu chợ Cầu Ông Lãnh đang nổi lên băng cướp trẻ hoành hành do Đại Cathay cầm đầu. Ban đầu “tam đầu chế 3 vua” không để ý vì ngoài lãnh địa của mình.



Đại Cathay tên trùm giang hồ Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Còn băng Đại Cathay, ban đầu núp bóng trùm Tám Lâu nhưng nhanh chóng qua mặt “thủ lĩnh” Tám Lâu, sau khi đập tan băng Bé Bún ở quận 4 thường “xâm phạm”. Thủ lĩnh Bé Bún cùng đàn em từ quận 4 kéo qua bị Đại Cathay dàn trận đâm thủng ruột, phải nằm viện mất nửa năm, ra viện khiếp vía cái tên Đại Cathay. Chiến thắng này đã đưa Đại Cathy qua mặt ông trùm Tám Lâu lên làm thủ lĩnh toàn bộ khu Da Heo (nay là đường Nguyễn Công Trứ).

Tiện thể, Đại Cathay thâu tóm luôn sòng bạc của Bảy Si (anh rể Năm Cam) và sòng bạc của Đực Bà Tiều…

"Lãnh thổ" của Đại Cathay kéo dài qua quận 4 và từng bước ảnh hưởng qua các khu lận cận đã có chủ. Đại Cathay sai em út thỉnh thoảng qua quậy phá thăm dò khu quận 5, chuẩn bị kế hoạch thâu tóm.

Đến lúc này, “tam đầu chế 3 vua Tỳ - Cái – Thế” mới giật mình, biết trước sau gì cũng bị Đại Cathay “nuốt”, mình nên họp lại bàn kế “thịt” Đại Cathay để trừ họa. Băng Aristo bày tiệc trên lầu rạp hát mời Đại Cathay tới giao lưu.

Đại Cathay vốn ngang tang, chẳng biết sợ là gì nên một mình tới dự tiệc. Chưa đặt chân lên tới lầu đã bị Thế thẳng chân đạp lộn nhào trở xuống. Đám tay chân nhất loạt rút dao xông vào chém. Biết bị rơi vào ổ phục kích, Đại Cathay quyết liệt chống trả và tìm đường thoát thân.

Dù bị thương tích, nhưng Đại Cathay vẫn bảo toàn tính mạng trở về hang ổ. Nằm dưỡng thương được một thời gian, khi vết thương vừa kéo da non, Đại Cathay quyết trả thù, một mình xách dao tìm đối thủ…

Những tên tham gia chém hội đồng Đại Cathay lần lượt đều bị ăn dao, do đích thân Đại Cathay bổ xuống. “Vua” Huỳnh Tỳ và Cái Thế đang ngồi nhậu trong quán Kiều Chánh vừa trông thấy Đại Cathay đã bị “ăn trọn” mỗi tên một dao, máu chảy lênh láng, ôm đầu bỏ chạy.

Những tên đàn em khác đều bị chung cảnh ngộ, trốn đâu cũng bị Đại Cathay xách dao mò tới, lạnh lùng xử lý…

Băng “Tam đầu chế 3 vua” hoảng sợ, biết gặp phải hổ dữ, tìm cách “cầu hòa”, thực ra là đầu hàng. Ban đầu Đại Cathay đang say máu, lắc đầu. “Tam đầu chế” phải cầu cạnh 2 tên giang hồ có máu mặt thế hệ trước là Ba Hội và Cảnh Tương bày tiệc khuyên giải và “xin” Đại Cathay tha mạng cho tội “dại dột”.

Nể tình 2 đàn anh, Đại Cathay tha cho đối thủ. “Tam đầu chế” ra mắt cúi đầu nhận tội. Đại Cathay yêu cầu “phải quy về một mối”. Thế là băng Aristo biến mất khỏi giang hồ, thay vào đó là cuộc hợp nhất lớn nhất trong thế giới giang hồ Sài Gòn những năm 1960, cho ra đời “Tứ đại giang hồ” (có báo gọi mỉa mai là “Tứ đại thiên vương”) Đại – Tỳ - Cái – Thế.

Tuy nhiên, thực chất 3 vua trong “tam đầu chế” phải nhường lại cho Đại Cathay những phần béo bở nhất để Đại “chia” cho đất sống.

…đến “đế quốc Đại Cathay”

Thống lĩnh hoàn toàn quận 1 và nhiều vùng lân cận, Đại Cathay chưa yên lòng vì cách đó không xa là khu Chợ Lớn béo bở do trùm hắc đạo người Hoa tên Tín Mã Nàm làm chủ. Xưa nay lãnh thổ của Tín Mã Nàm là bất khả xâm phạm với bất cứ băng nhóm nào.

Băng đảng của Tín Mã Nàm vô cùng hùng hậu, quản lý, hùn hạp và bảo kê hàng loạt nhà hàng, sòng bạc, tiệm hút ở khu Chợ Lớn. Dưới thời Diệm – Nhu, toàn bộ hoạt động kinh tài của các bang hội Ba Tàu Chợ Lớn đều có cổ phần của tên này.

Sau cuộc đảo chính, tướng lĩnh quân đội của nền Cộng hòa đệ nhị không còn để cho giới kinh tài Ba Tàu lộng hành như thời Diệm – Nhu.

Tín Mã Nàm phản phúc, tố cáo nhiều cơ sở kinh tài là “tay chân của Diệm – Nhu”, chỉ điểm cho cảnh sát bắt hàng loạt tay giang hồ mà y không ưa bấy lâu nay như Hỏi Phoòng Kin, Sú Hồng, Cọp Chảy, Quầy Thẩu Hao, Hắc Quầy Chảy… nhằm lấy lòng chính quyền mới, mưu toan “làm vua Hắc Đạo”.

Trung tá trưởng Ty cảnh sát quận 5 - Lê Ngọc Trụ trọng dụng Tín Mã Nàm, bao che, bảo kê cho các hoạt động của y. Tuy nhiên, những việc làm của Tín Mã Nam bị nhiều bang hội oán ghét, nhiều tên đàn em thề sẽ trả thù.

Đại Cathay tất nhiên không bỏ qua những mâu thuẫn này. Một mặt ra sức chiêu mộ, mua chuộc nhiều đàn em của Tín Mã Nàm. Mặt khác, Đại Cathay thường xuyên phái đàn em đi quậy phá, ném lựu đạn vào các cơ sở nhà hàng, sòng bạc của Tín Mã Nàm. Những hoạt động phá hoại này khiến cho việc làm ăn của Tín Mã Nàm xuống dốc, đàn em đói khát, bỏ đi, băng nhóm của Tín suy yếu.

Trận huyết chiến cuối cùng nổ ra vào năm 1964. Buổi sáng, Tín Mã Nàm đang ngồi cùng đàn em tại quán cà phê trước rạp hát Hào Huê thì Đại Cathay và 9 tay chân đàn em tinh nhuệ nhất lao vào tấn công.

Cuộc hỗn chiến dữ dội nổ ra khiến nhiều người hồn xiêu phách lạc, la khóc chạy trốn. Hai bên chém nhau dữ dội.

Kết quả 2 bên đều thiệt hại nặng. Nhưng băng Đại Cathay là kẻ chiến thắng cuối cùng vì Tín Mã Nàm biết không thể chống trả lâu dài nếu Đại Cathay tiếp tục tấn công.

Cuối cùng Tín Mã Nàm đành phải “cầu hòa”, cho người mời Đại Cathay đến nhà hàng Đồng Khánh “nói chuyện”. Đại Cathay không hề sợ hãi, vẫn một mình đi vào hang cọp, mặc cho đám đàn em cản ngăn.

Sự ngang tàng của Đại Cathay khiến Tín Mã Nam khâm phục, đồng ý giao toàn bộ khu vực béo bở từ chợ Nancy về Sài Gòn. Lãnh thổ quận 5 được chia cho Đại Cathay thêm nhiều khu hoạt động làm ăn, Tín Mã Nam chỉ “xin” giữ lại khu chợ sắt Tân Thành và con hẻm bài bạc số 100 để sinh sống với …vợ bé!