PDA

View Full Version : Y học Thường thức – Loãng xương



tcl
26-10-2015, 23:40
Y học Thường thức – Loãng xương





http://vomedia.ca/wp-content/uploads/2015/10/osteoporosis-640x427.jpg





Luật sư Bác sĩ Đặng Thanh Huy




LOÃNG XƯƠNG LÀ GÌ?

Loãng xương, tiếng Anh là Osteoporosis, gồm gốc từ kết hợp Osteo- nghĩa là xương và -poros, nghĩa đen là lỗ mọt lỗ chỗ (giống như miếng bọt biển)

Tiếng Việt không biết ai dịch ra là loãng xương, theo người miền Bắc, chứ gọi dân dã như người miền Nam là xốp xương thì sát nghĩa hơn.

Về mặt cấu tạo xương, để cho dễ hiểu, các bạn hãy coi xương giống bê-tông cốt thép đi, nghĩa là nó gồm có 2 phần:

Phần khung, giống như cốt thép bê-tông, chính là bộ khung bằng protein, cũng giống như cốt thép, nó làm cho xương có độ đàn hồi nhất định.

Chính vì có phần khung protein này mà người ta lấy xương trâu bò nấu mãi nó sẽ ra một chất dẻo dính dai mà người ta gọi là a-dao.

Hoặc nếu trường hợp là xương cọp, nó sẽ tạo một khối dẻo là cao hổ cốt.

Phần khoáng chất, giống như xi-măng bám chắc lên các cốt thép, phần lớn là can-xi, tạo độ cứng chắc cho xương.

Sơ lược đến đây tạm ổn rồi nhé.





https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xta1/v/t1.0-9/10698628_708870542516074_8762924239464700513_n.jpg ?oh=3325f7686cb31de8c357a1b013c63500&oe=56B67EF2




Loãng xương, giống như bê-tông ống cống nước bị rút ruột công trình, lúc này cốt thép bị thay bằng cốt tre tươi rồi đổ bê tông lên.

Bề ngoài nhìn giống đồ thật, nhưng sau một thời gian, cốt tre tươi co ngót lại hoặc mủn ra, tạo thành vô số chỗ xốp rỗng dọc theo khung cốt bên trong.

Loãng xương giống vậy đấy, nghĩa là phần khung cho can-xi bám vào nó co ngót đi, bề ngoài nhìn vẫn vậy, nhưng bên trong xốp xộp à!

Và khi xương bị loãng, giống như bê-tông cốt tre, nó gẫy vỡ liên tục liên tục. Đụng nhẹ cũng gẫy vỡ, mà không đụng, nó không chịu được lực nó cũng gẫy vỡ!





CƠ CHẾ RA SAO?

Đến đây thì các bạn hiểu vấn đề chính là cái khung của xương nó tiêu đi, làm can-xi mất hay thiếu chỗ bấu víu!

Thành ra cốt xương mất ổn định, chứ không hẳn là cứ đổ xi-măng tức canxi vào là được đâu!





THẾ TẠI SAO CỐT XƯƠNG BỊ TIÊU?

Như đã trình bày, xương có 2 phần, 1 là cấu trúc protein làm cốt xương, là cấu trúc sinh học của xương, và 2 là khoáng chất tức canxi.

Do cốt xương là phần sinh học, nghĩa là có sinh có diệt.

Sinh xương do các tế bào sinh xương tức tạo cốt bào – osteoblast.

Hủy xương do các tế bào hủy xương tức hủy cốt bào – osteoclast.

… Khi xưa kia ta bé, ta chơi, nên xương ta cứ lớn lên mau … bang bang …

Nay ta đã hết tuổi bé thơ, nên xương ta cũng hết sinh ra!

Chị em phụ nữ, khi còn kinh nguyệt, tức trong tuổi sinh đẻ, do tác động của nội tiết tố sinh dục nữ, nó giữ cho quá trình sinh xương và tạo xương ổn định.

Thế nhưng khi mãn kinh, sự trợ giúp này không còn, chị em, thậm chí còn tệ hơn nam giới cùng tuổi rất nhiều!

Vì nam giới tuổi đó, còn có ít nhiều nội tiết tố sinh dục nam, giúp chống lại quá trình tiêu xương mất xương.

Phụ nữ mãn kinh, không còn nội tiết tố sinh dục nữ, cũng không có nội tiết tố sinh dục nam, cho nên xương cốt chị em bị hủy như xe xuống dốc không phanh!

Thê thảm không? Quá thảm!





HẬU QUẢ LOÃNG XƯƠNG?

Mẹ già lưng còng hình dấu hỏi!

Hồi xưa người ta cứ nghĩ hễ già là mù mắt, thực ra là đục thủy tinh thể gây mù lòa.

Nhưng các bạn có biết người già lưng còng là do đâu không? Là do loãng xương đấy!

Do các đốt sống bị xốp dần và gãy sụp, lún dần hình chêm nên cột sống cong gập lại!

Một gãy xương hay gặp nữa là gãy cổ xương đùi, dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi gây tàn phế.





TRIỆU CHỨNG LOÃNG XƯƠNG?

Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng.

– Đau xương, đau lưng cấp và mạn tính.

– Biến dạng cột sống: gù, vẹo cột sống, giảm chiều cao…do thân các đốt sống bị gãy

– Đau ngực, khó thở, chậm tiêu… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống

– Gẫy xương: các vị trí thường gặp là gãy đầu dưới xương quay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống, xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.





PHÒNG NGỪA & ĐIỀU TRỊ

1. Không dùng thuốc (bao gồm cả dự phòng và điều trị )

– Chế độ ăn uống: bổ sung nguồn thức ăn giầu canxi sớm (nhu cầu: 1.000-1.500 mg hàng ngày, từ các nguồn: thức ăn, sữa và dược phẩm), tránh các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, café, rượu…tránh thừa cân, thiếu cân.

– Chế độ sinh hoạt: tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã…

Dụng cụ, nẹp chỉnh hình (cho cột sống, cho khớp háng) giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.



2. Các thuốc điều trị loãng xương

– Các thuốc bổ sung: Canxi, Vitamin D hàng ngày (hoặc chất chuyển hoá của vit. D là Calcitriol

– Các thuốc chống hủy xương: Làm giảm hoạt tính tế bào hủy xương (osteoclasts).: nhóm Bisphosphonates, calcitonine (cá hồi), Liệu pháp sử dụng các chất giống hormone:

– Thuốc có tác dụng kép: Strontium ranelate (Protelos): Thuốc vừa có tác dụng tăng tạo xương vừa có tác dụng ức chế hủy xương, đang được coi là thuốc có tác động kép phù hợp hoạt động sinh lý của xương.

– Các nhóm thuốc khác: Menatetrenone (vitamin K2) ức chế osteocalcin, thuốc làm tăng quá trình đồng hoá: Deca Durabolin và Durabolin.

Loãng xương âm thầm nhưng gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân.

Hãy yêu xương bằng tất cả tình thương của bạn!





vomedia.ca