PDA

View Full Version : Sao Thủy có thể chứa lớp kim cương dày 18 kilometer dưới bề mặt



BigBoy
05-08-2024, 01:26
LIEGE, Bỉ Quốc (NV) – Một lớp kim cương dày đến 18 kilometer (11 dặm) có thể nằm dưới bề mặt của Sao Thủy (Mercury), hành tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời và gần với mặt trời nhất, theo nghiên cứu mới công bố.


Kim cương có thể đã hình thành ngay sau khi Sao Thủy trở thành một hành tinh khoảng 4.5 tỷ năm về trước từ một đám mây bụi và khí, dưới áp suất lớn, trong môi trường nhiệt độ cao. Vào thời điểm khai sinh đó, hành tinh được cho là có một vỏ bọc graphite, lơ lửng trên một đại dương dung nham khổng lồ, sâu thẳm.


Một nhóm các nhà nghiên cứu, thuộc đại học University of Liège ở Bỉ và một trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tái tạo lại môi trường đó trong một cuộc thí nghiệm, bằng một loại máy chuyên dùng để nghiên cứu vật liệu chịu áp lực lớn ra sao và cũng dùng để sản xuất kim cương nhân tạo.





https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/Mercury.png (https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/Mercury.png)
Sao Thủy có thể chứa một lớp kim cương bên dưới bề mặt (Hình: NASA/Johns Hopkins University Applied Physics Laboratory/Carnegie Institution of Washington)

Nhóm nghiên cứu đưa một hỗn hợp nhân tạo gồm có silicon, titanium, magnesium và nhôm vào trong một cái hộp bằng graphite cứng chắc, mô phỏng nội dung bên trong Sao Thủy trong những ngày đầu theo giả thuyết. Sau đó, cái hộp vào trong máy để chịu áp lực gần 70,000 lần lực trên bề mặt Trái Đất và nhiệt độ lên tới 2,000 độ Celsius (3,636 độ Fahrenheit), hầu lặp lại những điều kiện ở lõi của Sao Thủy hàng tỷ năm về trước.


Sau khi mọi thứ tan chảy, các khoa học gia phân tích sự thay đổi về thành phần hóa học và khoáng chất bằng kính hiển vi và ghi nhận graphite đã biến thành những hạt kim cương.


Tiến trình này giúp người ta hiểu thêm về những bí mật ẩn giấu dưới bề mặt Sao Thủy và tiến trình chuyển hóa của các hành tinh ngoài Trái Đất.


Sao Thủy là hành tinh đặc ruột thứ nhì sau Trái Đất. Lõi hành tinh chiếm tới 85% bán kính của Sao Thủy, và hành tinh này cũng ít được khám phá nhất trong Hệ Mặt Trời. Lần chót NASA cho phi thuyền Messenger đi quanh Sao Thủy là giữa Tháng Ba 2011 và Tháng tư 2015.


Phi thuyền Messenger tìm thấy có nhiều carbon dưới dạng graphite trên bề mặt Sao Thủy, nhưng có rất ít nghiên cứu khoa học về những gì bên dưới bề mặt của hành tinh.


Theo kết quả thí nghiệm vừa công bố hồi Tháng Sáu trên tạp chí Nature Communications (https://www.nature.com/articles/s41467-024-49305-x), độ dày của lớp kim cương có thể từ 15 tới 18 kilometer (9.3 tới 11.1 dặm) chỉ là một con số ước lượng và có thể thay đổi vì tiến trình tạo ra kim cương vẫn còn tiếp diễn khi lõi của Sao Thủy tiếp tục nguội xuống.


Chưa rõ những viên kim cương trên Sao Thủy to cỡ nào, nhưng vì cũng chỉ được tạo ra từ carbon, nên các nhà khoa học dự đoán chúng cũng bằng cỡ những viên kim cương tìm thấy trên Trái Đất.

olongt
05-08-2024, 07:18
độ dày của lớp kim cương có thể từ 15 tới 18 kilometer (9.3 tới 11.1 dặm), vậy là giá kim cương hột.. xoàn sẽ bằng giá bao nylon! :yuuxF81: