PDA

View Full Version : Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ, tinh thần hay sở hữu, qua ‘bài học’ chùa Bát Nhã



BigBoy
23-03-2024, 05:00
Joaquin Nguyễn Hòa

Chùa Bát Nhã tại Santa Ana, California, bị phát mãi vì ni sư trụ trì vay “nóng” với lãi suất rất cao, mà không trả tiền.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/DD-Cau-Chuyen-Chua-Bat-Nha-scaled.jpg (https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/DD-Cau-Chuyen-Chua-Bat-Nha-scaled.jpg)
Phật tử chùa Bát Nhã cầu nguyện trước tượng Phật Bà Quan Âm trong sân chùa. (Hình minh họa: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Đây là tin chấn động trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ những ngày đầu năm mới Giáp Thìn.



Theo tường trình của nhật báo Người Việt, hôm 5 Tháng Giêng, chùa Bát Nhã nhận được thư trục xuất khỏi ngôi nhà trị giá hàng triệu đô la, mà các Phật tử ngỡ rằng nó vẫn là tài sản của chùa.


Xin tóm tắt ngắn gọn câu chuyện này như sau.


Chùa Bát Nhã là một tổ chức phi lợi nhuận theo luật pháp Hoa Kỳ. Đầu tiên, ngôi nhà dùng để làm chùa, trị giá khoảng $4 triệu, là tài sản của tổ chức phi lợi nhuận này. Sau đó tài sản được chuyển thành sở hữu tư nhân của ni sư trụ trì. Ni sư này đi vay “nóng” một món tiền là $1.7 triệu, nhưng sau đó lại không trả tiền đúng hạn. Kết quả là nơi cho vay tiền căn cứ vào luật pháp để phát mãi ngôi nhà để trừ nợ (và cả lãi).


Ngôi chùa được bán xong, không những cộng đồng Phật tử của chùa Bát Nhã bị ngỡ ngàng, mà ngay cả các thành viên hội đồng quản trị được báo chí phỏng vấn cũng đều nói là họ không biết gì cả. Các thành viên quản trị khác, trong đó có ni sư trụ trì thì im lặng, tránh trả lời báo chí, và người ta không biết họ ở đâu.


Có hai câu hỏi được đặt ra dựa vào những điều rất vô lý trong sự việc này:


1-Tại sao tài sản của chùa được chuyển qua cho một thành viên hội đồng quản trị là sư cô trụ trì?


2-Tại sao sư cô phải đi vay nóng, trong khi ngôi chùa này là một trong những ngôi chùa lớn của người Việt tại Mỹ, với tiền cúng dường hàng năm lên đến gần $1 triệu?


Bên cạnh đó còn có một chuyện bê bối cách đây vài năm, là vị sư trụ trì lúc ấy là một hòa thượng, bị tòa án phát lệnh bồi thường một khoản tiền $350,000 vì bị tố cáo lạm dục tình dục với trẻ vị thành niên. Vị hòa thượng này là một chức sắc của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại.


Theo tường trình sự việc trên nhật báo Người Việt, với món tiền phát mãi ngôi nhà, sau khi trừ đi tiền nợ lẫn tiền lãi, thì vẫn còn $1.3 triệu, về nguyên tắc, phải được đưa lại cho người từng đứng tên hợp pháp sỡ hữu chủ của căn nhà, là ni cô trụ trì. Bên cạnh đó, người ta cũng biết chắc chắn rằng ni cô đã cầm trong tay một số tiền vay $1.7 triệu.


Xin nghi chú thêm rằng sư cô trụ trì này là cháu ruột của vị hòa thượng trụ trì trước đây. Vị hòa thượng này bị tòa án phạt vì lạm dục tình dục trẻ vị thành niên. Vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên này tôi được nghe lần đầu tiên cách đây vài tháng.


Chùa thầy hay chùa hội, hay hội và thầy lẫn lộn?


Phật Giáo Việt Nam trong nước được cho là bị nhà nước Cộng Sản kiểm soát chặt chẽ, qua hệ thống hành chính của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ở phía nhà nước, viên chức phụ trách vấn đề tôn giáo của chính phủ Việt Nam hiện nay vốn là một tướng công an.


Người Việt tại hải ngoại thường chỉ trích sự kiểm soát của nhà nước đối với Phật Giáo trong nước, gọi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong nước là “Phật Giáo quốc doanh.”


Có lẽ cũng không cần kể ra đây những vụ bê bối của cộng đồng các chùa chiền trong nước liên quan tới tiền bạc, mê tín dị đoan, thậm chí là tình dục. Những chuyện này được chính báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát đưa ra.


Tại hải ngoại, đặc biệt là ở Mỹ, tôn giáo được tự do hoạt động, không có cơ quan nào của chính phủ kiểm soát tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo tuân thủ theo pháp luật giống như những tổ chức khác, và còn được tạo điều kiện thuận lợi hơn, đó là hoạt động với vị thế các tổ chức phi lợi nhuận, không nộp thuế cho chính phủ. Các ngôi nhà dùng làm chùa hay nhà thờ, có khi cũng nộp thuế bất động sản, nhưng được giảm rất nhiều.


Thế nhưng Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ có không ít các vụ bê bối, và vụ có thể nói làm chấn động hàng trăm ngàn phật tử tại Mỹ chính là vụ chùa Bát Nhã.


Hiện nay tại Mỹ, các ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam được hoạt động chủ yếu theo hai mô hình.


-Chùa thầy: Theo mô hình này thì vị trụ trì là sở hữu chủ của ngôi chùa. Chùa vẫn hoạt động trong khuôn khổ tổ chức phi lợi nhuận, nhưng thầy trụ trì kiểm soát tất cả. Nếu chùa chấm dứt hoạt động thì ngôi nhà dùng làm chùa vẫn là của người đứng tên là sư trụ trì.


-Chùa hội: Thường là do một nhóm Phật tử lập ra theo khuôn khổ tổ chức phi lợi nhuận. Tài sản thuộc về hội chứ không thuộc về cá nhân nào, kể cả sư trụ trì. Nếu chùa chấm dứt hoạt động, tài sản của chùa sau khi trừ các khoản nợ, nó sẽ thuộc về tài sản công cộng. Vị sư trụ trì thường là thành viên ban quản trị, ở vai trò chủ tịch.


Trong trường hợp chùa Bát Nhã, một điểm quan trọng là tài sản chung (chùa hội) đã bị biến thành tài sản riêng (chùa thầy), khi mà quyền sở hữu ngôi nhà dùng làm chùa được chuyển qua ni sư trụ trì, dưới tên ngoài đời của bà. Không rõ nội quy của chùa Bát Nhã có cho phép việc chuyển tài sản này không. Theo một luật sư người Việt tại San Jose, California, đối với tổ chức phi lợi nhuận thì việc chuyển tài sản như vậy là trái phép, trừ khi có một ngoại lệ gì đó rất đặc biệt và được ban quản trị đồng ý.


Như vậy mô hình chùa hội phân biệt rõ ràng giữa công và tư hơn, nhưng trong trường hợp chùa Bát Nhã, lại có sự chuyển giao từ chùa hội sang chùa thầy, có hợp lệ hay không vẫn còn đang được điều tra.


Phật Giáo Việt Nam và niềm tin tuyệt đối vào các vị thầy


Đa số phật tử Việt Nam theo tông phái Tịnh Độ, trong đó có nhiều nghi lễ cúng kiến. Với vai trò là các vị chủ lễ cúng kiến, các vị sư hầu như có uy tín tuyệt đối với Phật tử.


Và điều này có thể là mối hiểm họa cho nhiều tai ương của Phật Giáo, dù rằng đang phát triển trên mảnh đất tự do tôn giáo là Hoa Kỳ.


Thượng Tọa Thích Đạo Quảng, trụ trì chùa Tam Bảo tại Louisiana, nói với tôi rằng sự lợi dụng tín ngưỡng dễ làm nảy sinh sự câu kết giữa các vị tăng ni với những người thế tục để thao túng hoạt động của các ngôi chùa. Theo ông, hoạt động của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ thiếu điều mà người Mỹ gọi là “Check and Balance” (kiểm soát và cân bằng quyền lực). Thiếu điều này làm cho hoạt động của các ngôi chùa bị mâu thuẫn về quyền lợi rất rõ ràng. Công chúng không kiểm soát được ngân quỹ, cũng như không biết tài sản của chùa đi về đâu.


Điều thứ hai mà Thượng Tọa Thích Đạo Quảng nhấn mạnh là các vị sư nên là “những vị lãnh đạo, chứ không phải là những chủ nhân.”


Với vị thế quan sát từ bên trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ, thượng tọa thấy rằng nhiều tăng ni người Việt tại Mỹ mơ hồ rằng ngôi chùa là “của mình.” Ông dự báo rằng có thể có những vụ như chùa Bát Nhã sẽ tiếp tục xảy ra, chưa biết lúc nào.


Khái niệm “của mình” trớ trêu thay lại là mục đích xóa bỏ của người tu hành theo Phật Giáo, giải thoát khỏi những vướng bận cá nhân, sỡ hữu,… đi đến mục đích cuối cùng là “diệt ngã” (cái tôi). Vị luật sư tại San Jose, mà tôi đề cập bên trên, và cũng là một Phật tử, có lần nói với tôi rằng, đôi khi bước vào con đường tu hành giải thoát để diệt ngã, cái ngã lại to lớn hơn nữa.


Kết thúc buổi trao đổi ngắn gọn với tôi vào ngày 23 Tháng Hai, Thượng Tọa Thích Đạo Quảng cho rằng ông không thể bình luận gì cụ thể về vụ chùa Bát Nhã, nhưng theo ông đây là một cơ hội cho Phật tử cũng như tăng ni Việt Nam tại Mỹ nhận ra được trở ngại hiện nay, để mà cải cách.