PDA

View Full Version : Truyện ngắn Đào Phạm Thùy Trang: Mùa hè của chúng tôi



BigBoy
08-09-2022, 02:28
Tôi đang còn hì hụi kéo cây tre sau nhà thì tiếng con Út Đẹt đã um sùm trước sân:


– Xong chưa? Xong chưa Bé Lùn? Lạt tao chẻ rồi nè!


– Sắp… sắp rồi! Ra kéo phụ tao, lẹ lên để lỡ mẹ tao về, bả chửi!


Hai đứa con gái 14 và ba đứa con nít 12, 10 và 8 tuổi hì hụi kéo một chút thì cây tre cụt đọt cũng chịu thua và từ từ chào vĩnh biệt họ hàng chú bác nhà tre để ra khỏi đại gia đình xanh um cao lêu nghêu đó. Mấy đứa chùng tôi hì hụi khiêng cây tre bỏ qua nhà thằng Tựu, ở đó đã có thằng Xí Được và thằng Cà Khun với cưa, búa, đinh đang chờ để làm một chiếc xe kéo lội nước.


https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2021/04/Dao-Pham-Thuy-Trang-vhsaigon.jpg
Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang ở Tây Ninh


Xóm chúng tôi ở trên vùng trũng của Bàu Ba Mươi khoảng 100 mét. Người lớn lý giải, vì cái bàu này rộng ba ngàn mét vuông, nhưng lại có người nói, ngày xưa khu vực bàu này có một “ông ba mươi” có ba chân cư ngụ. Sau khi diệt ông cọp què đó rồi thì…cũng đặt tên bàu như vậy cho dễ biết so với các bàu khác trong xã.


Bàu Ba Mươi có nhiều cá và cũng lắm rau. Rau muống, rau chốc, rau kèo nèo, rau dừa cạn… đều có cả. Ai có xuồng ba lá thì cứ đi quanh bàu câu cá, ai không có thì một chiếc thùng phuy chẻ hai cũng có thể làm xuồng. Bàu là của chung nên người ta quy định ngầm với nhau, mọi người trong xóm chỉ được câu cá “thủ công” cứ không kéo lưới hay chích điện gì cả.


“Câu thủ công” là một chiếc cần câu, móc con trùn đất vô rồi ngồi chờ cá ăn mồi đó mà. Cá rô, cá mè cũng nhiều. Thi thoảng có cá lóc, cá trê nhưng cũng đủ bữa cho một gia đình nhỏ kèm chút rau có sẳn trong bàu.


Nhưng đó là với người lớn, chứ bọn con ít chúng tôi, chưa đủ 15 tuổi thì không được phép tới bên bàu. Vì những sợi kẽm gai giăng khắp nơi, xập xệ và tạm bợ đã được gia đình bà Tư Cò giăng quanh bờ của Bàu Ba Mươi từ lâu lắm. Ai láu táu tới gần bàu, chưa thu hoạch được gì nhưng đã được một vết kẽm gai quào hay ghim vào da thịt. Mấy đứa con nít bị rồi nên nhiều đứa khác ớn.


Không câu cá, hái rau tự tung tự tác trong lòng bàu nhưng chúng tôi có thể chơi lòng vòng ở đó. Nhất là vào mùa mưa.


Miền Nam mùa hạ cũng là mùa mưa. Mưa miền Nam lạ lắm, nắng thì nắng cháy da cháy cháy thịt nhưng mưa thì thối đất thối cát. Mà làng quê lúc đó, đâu có nông thôn mới, nông thôn cũ như bây giờ. Không có cống thoát nước, không có mương đâu nhé. Cứ nước mưa chỗ cao ào xuống chỗ trũng thật thoải mái hồn nhiên. Vậy nên Bàu Ba Mươi cứ ngập đầy những nước. Nước mưa bây giờ không ngoan ngoãn nằm trong lòng bàu nữa rồi, mà tràn lên miệng, ì oạch vài ngày cho vài đoạn bờ bể ra dẫn theo lũ rô, trê, sặc, lóc… ham du ngoạn đó đây.


Nhưng chúng tôi chẳng lẽ cứ dùng chân trần lội nước thì…cổ tích quá. Vậy là bọn nghĩ ra trò hay ho hơn. Đó là nhà Bé Lùn có một bụi tre chà bá, nhà Út Đẹt ba thiên cây trúc. Đứa đốn tre, đứa lấy trúc chẻ lạt để bọn con trai chặt tre ra làm những chiếc bè lội nước thì sẽ có trò chơi vui nức tuổi thơ.


Mỗi chiếc “bè” của chúng tôi gồm có hai thanh tre dọc và bốn thanh tre ngang. Hai thanh dọc thường là tre để nguyên lóng. Chỉ có mấy thanh ngang thì chẻ dẹp ra. Rồi buột vào nhau, hai thanh tròn dọc nằm dưới, bốn thanh dẹp hình bán nguyệt nằm trên. Lạt trúc xiết lại sao cho thật chặt nhé. À…nhà thằng Cà Khun có mấy con bò, nước ngập như vầy bò không đi cày đi kéo được đâu. Mượn dây mũi bò mà làm dây kéo bè để chơi cho thỏa thích.


https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2022/04/Tranh-Hoang-A-Sang-hoa-sen3.jpg
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Sau khi hai chiếc bè làm xong thì mấy đứa con nít sẽ oẳn tùi tì chia phe theo kiểu “nhứt bắt ba, nhì bắt bét”. Là đứa thắng đầu tiên của keo “tù tì” đó sẽ nhận đứa thắng loại ba làm “phe mình”; đứa thắng loại nhì đương nhiên phải lấy đứa loại bét (cuối cùng) về phe.


Rồi chia nhau, đứa ngồi lên bè, đứa kia máng sợi dây mũi bò lên vai mình giả làm “bò” mà kéo đứa kia lội băng băng trong nước. Gặp chỗ đất lồi lõm hay có cục đá dưới chân thì bè sẽ dằn “tựt tựt” và đứa ngồi trên vịn không chắc sẽ bị té xuống. Khi té là “mất lượt” ngồi, sẽ phải xuống làm “bò” kéo lại đứa kia. Mà đất mùa mưa ngập dài ngày trong nước, những chỗ lồi lõm sẽ rất nhiều, cảm giác bè kéo cứ giật “tựt tựt”, đứa kéo méo mặt gồng vai cố lắc làm sao cho đứa kia mau rớt xuống nước. Vậy mà đứa ngồi trên bè ngoác miệng ra cười, cố nắm thật chặt chiếc bè kéo để khó bị rớt…thật là vui không kể xiết.


Cuối mùa hạ cũng là già nửa mùa mưa. Nước mưa kéo về ngập không còn thấy bốn phía bờ của Bàu Ba Mươi nữa. Mà nước đã tràn lên ngập sân, ngập nhà, mấy nọc trầu của bà Tư Cò đã bắt đầu vàng ệch. Chuồng bò của bác Sáu Xị cũng đã tản cư nơi khác. Vựa nan đan bồ của bà Hai Dao Lam cũng phải vừa khiêng vừa đội đi nhà khác gửi từ lâu lắm.


Chung quanh bàu bây giờ chỉ ngập trắng màu nước và xanh um màu rong, màu rau chứ không có bóng dáng con người lục đục quanh sân quanh nhà nữa.


Đoạn dường từ nhà tôi tới bàu khoảng hơn trăm mét. Thì hai chiếc bè cứ thi nhau kéo băng băng trong nước đến tím cả môi mà tiếng cười không dứt. “Ngon” nhất là mấy đứa hơn 10 tuổi vì biết ôm chắc bè, có té cũng chỉ ướt mình mẩy chứ không phải “ủm nguyên con” xuống màu nước đục như mấy đứa bé dưới 10 tuổi.


Khổ nhất là tôi, vì phải giữ hai đứa em, không cho nó chơi chung thì về nó sẽ méc mẹ vì chị Hai lén chặt tre. Mà cho nó chơi chung thì nó bị té đau cũng méc mẹ. Khổ trăm bề cái thân làm chị.


Bà con trong xóm Bàu Ba Mươi hầu như làm nghề nông hết cả. Có ruộng thì làm ruộng. Không ruộng thì làm ruộng thuê. Không làm ruộng thuê thì có bò cày bò kéo thuê. Ai không ruộng cũng không có bò thì đan lát. Bà Hai Dao Lam là vựa nan trúc của cả xóm. Bà bỏ vốn ra, mua trúc khắp nơivề vựa đó, ai không vốn liếng, không ruộng nương, trâu bò thì đi chẻ nan gia công cho ba. Bó trúc đó, chẻ ra, bà lấy nan cật, người chẻ được phần nan ruột. Phần ruột đó lại chẻ ra đan những tấm mê bồ bán lại cho bà. Nhưng bà sẽ mua giá rẻ mạt. Người đan có thể không bán cũng được. Nhưng không bán cho bà thì để làm gì? Nếu bán, cứ giao từ từ, ngày 1-3 tấm bồ, mỗi tấm dài 3m, ngang 1m. Nhưng phải đủ 10 tấm bà mới trả tiền một lần.


Cùng thời gian đó, nếu ai túng thiếu, dù tiền mê bồ bà chưa trả cho người ta, nhưng tiền góp bà vẫn cứ cho vay. Tiền lời hai mươi phân. Là một trăm ngàn tiền mượn, trong một tháng sẽ trả lại bà thành một trăm hai chục ngàn đó. Nếu tháng đó không trả, thì thàng sau sẽ phải trả một trăm bốn mươi hai ngàn. Sao lại có hai ngàn lẻ? Đó là “tiền con” của số hai chục ngàn ấy.


Vì luôn tính theo kiểu “lại mẹ đẻ lại con” nên người ta gọi bà là “Hai dao lam” là vậy.


Tuy bà Hai gian manh nhưng thằng Xí Được con của bà lại rất dễ thương. Xí Được lớn hơn tôi và út Đẹt hai tuổi. Nhưng vì là con nhà giàu, cứ buồn tình là nghỉ học nên nó học “đúp” hai năm lớp 1. Thành ra giờ vẫn học chung chúng tôi.


Xí Được mập mạp và có sức khỏe hơn bọn bạn bè còm nhom nhà nghèo chúng tôi. Xí Được cũng rất ra vẻ “đàn anh” nên lúc chơi xe kéo nước đều “xin thua” để kéo chúng tôi chứ ít khi chịu ngồi lên xe cho đứa khác kéo. Bởi đơn giản, nếu phải kéo Xí Được, thì hai đứa gồng vai mới nỗi. Còn một đứa kéo, nó sẽ bị té ngay.


Vì sao nó tên là Xí Được? Vì bà Hai Dao Lam đã sinh sáu cô con gái rồi. Nhưng chồng bà không chịu, cứ bắt bà phải sinh được một đứa con trai. Nếu không có con trai thì phải sinh hoài. Vì vậy, khi người con gái nhỏ nhất được sáu tuổi, bà mới sinh được đứa con trai. Bà quý nó nên đặt tên là Xí Được, như một báu vật nào đó mà bất ngờ bà có được vậy.


Ba tôi làm thợ hồ, đi công trình lâu lâu mới về. Mẹ phụ bán tạp hóa với bà thím ngoài chợ xã. Sáng sớm mẹ nấu xong bữa cơm thì ra đi tới tối mịt mới về. Ba đứa con trong lứa tuổi ăn học, cơm đó cứ ăn. Đi học thì cứ tự nhiên mà đi. Một đứa sáng, hai đứa chiều.


Nông thôn ngày đó thân thiện lắm, con nít cũng ngoan ngoãn dễ sai dễ bảo. Ví như lứa tụi tôi đi học thì mấy đứa nhỏ hơn sẽ qua nhà bác Sáu Xị (ba thằng Cà Khun) chơi với cái chuồng bò. Chiều tụi nhỏ đi học thì mấy đứa đi buổi sáng hết làm việc nhà thì…qua cái chuồng bò mà chơi. Leo trèo, tắm bò, cưỡi bò, hốt phân bò mang về nhà bỏ vô mấy nọc tiêu, gốc mướp…hoặc lấy củi un muỗi cho bò phụ bác Sáu.


Có một mùa hạ nọ, ba tôi bị té giàn giáo gãy ba cọng xương sườn. Việc cơm áo thuốc thang đều oằn vai mẹ tôi. Nên có những buổi qua nhà bác Sáu Xị hốt phân bò mà tôi cứ im thin thít. Thằng Được thấy lạ nên hỏi mãi “Bệnh hả”. “Đau bụng hả?”. “Mệt hả?”. “Mẹ đánh đòn hả?”. Tôi im lặng hồi lâu rồi nói nhỏ ‘Tao…đói”. Nó “À” thật to rồi đi về phía góc chuồng bò lấy ra cái củ lang gạo to đùng gói trong lá chuối “Nè, ăn giùm đi. Sáng đã ăn bánh canh rồi mà má tao còn cho cái củ lang này. Ớn thấy bà nội”.


Trời ạ…từ đó đến nay tôi chưa ăn món gì ngon hơn cái củ lang tròn vo trắng đục thơm lừng tuổi thơ đó.


Mẹ tôi đã phải vay tiền bà Hai Dao Lam rồi.


Tới ngày trả không có tiền nên bà chửi mắng ghê lắm. Bà đòi xiết nhà, xiết bàn thờ, xiết xe đạp…Nhưng nhà chẳng có gì đáng giá để xiết. Xe đạp thì có đấy, nhưng từ dạo ba bị té giàn giáo, xe vẫn còn bỏ lại công trình xa. Bàn thờ chỉ là mấy miếng gỗ mục nằm cùng cái lư hương bằng sành mẻ miệng…Chẳng có gì để xiết nên bà Hai hăm “Tháng sau mà không có tiền, tôi sẽ…đốt nhà thím”.


Mùa hè sắp qua. Mùa tựu trường sắp tới nhưng chị em tôi chưa đứa nào có dấu hiệu được chuẩn bị năm học mới. Thằng Xí Được biết được cái khó của gia đình tôi nên chiều hôm ấy, lúc qua nhà bác Sáu Xị chơi, nó bảo:


– Mày về nói dì Năm khỏi lo vụ tiền má tao. Chừng nào có thì trả.


– Sao…sao…mày hay vậy?


– Vì tao là thằng Xí Được mà! Má tao không dám cãi tao đâu! Tao nói má tao rồi, người ta khó khăn mới không trả được. Má đốt nhà người ta rồi có lòi tiền ra không? Mà má đốt nhà con Bé Lùn đó hả, con sẽ nghỉ học luôn cho má coi!


Nó nghinh mặt ra vẻ “ngon lành” lắm vậy.


Tôi đem lời thằng Xí Được nói lại cho mẹ nghe. Mẹ bảo “Coi như mẹ không biết chuyện này nghen. Để mẹ qua nhà bà Hai hẹn nợ xem sao”. Quả thật sau đó bà Dao Lam không qua nhà tôi hoạnh họe từng ngày nữa.


Bàu Ba Mươi giờ đã không còn vì nó đã được san lấp để trở thành sân vận động của xã. Nhưng những mùa hè nắc nẻ tiếng cười của chúng tôi trên chiếc xe lội nước và tình bạn tuổi thơ thì vẫn không bao giờ quên được.




ĐÀO PHẠM THÙY TRANG