PDA

View Full Version : Tản văn của Nguyễn Đại Duẫn: Về quê



BigBoy
17-07-2022, 06:20
Khoảnh khắc chuyển mùa. Cây cối mới trở mình qua đâm chồi nảy lộc, xanh non mơn mởn của mùa xuân bỗng nghe rạo rực nắng hạ về.


Bầu trời cao xanh vời vợi. Ông Mặt trời như rót những tia lửa vàng rực xuống cánh đồng vừa gặt hái. Nhiệt độ của thiên nhiên bỗng bất ngờ tăng vọt lên. Cô phát thanh truyền hình ngày nào cũng luôn nhắc mọi người cần tránh nắng khi ra đường


Mùa dịch Covid-19 đã chuyển sang trạng thái mới và lắng dịu đi. Mọi công việc làm ăn, mưu sinh đã trở lại với người dân. Mùa hè. Nắng nóng oi ả như chảo lửa trên dải đất miền Trung với những ngọn gió Lào thổi cồn lên, vây quanh cái thị trấn bé nhỏ làm cho không khí như nghèn nghẹt.


Về quê! Phải rồi, về một chuyến để thả hồn mình nơi đồng nội, bớt đi cái căng thẳng phố thị ồn ào. Về với miền quê thanh bình, yên ả để tha hồ hít hà hương vị của cánh đồng làng.


Trời mới hừng đông, tôi đã chuẩn bị xong hành lí và kiểm tra lại chiếc xe đạp. Hành lí chỉ là một chai nước lọc, mấy viên C sủi và đi xe đạp là hợp lý nhất cho hành trình. Chiếc xe bon bon trên đường quốc lộ rồi ngoặt sang phải là con đường về quê. Từ xa, cánh đồng làng dần hiện lên trong nền trời rực hồng buổi sớm mai. Tôi chầm chậm đạp xe để cảm nhận mùi rơm rạ, đất đai bốc lên sau mùa gặt. Đây rồi, những con đường bê tông tít tắp nối từ làng này qua làng kia như con rắn dài đang trườn về phía trước. Quê, mùa này nắng cũng vàng cả mắt, nhưng được cái thoáng gió và mát mẻ. Trên những thữa ruộng vừa gặt xong, máy cày đang xình xịch lật lên những đường đất thẳng băng, trải dài.


https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2020/08/Anh-dep-lang-que-1.jpg
Không như ngày xưa. Sau mùa gặt, từng tốp trẻ con chúng tôi đầu đội nón cời, tay cặp chiếc rá dưới cái nắng chang chang, chịu khó nhặt nhạnh những bông lúa đang còn sót lại, những hạt lúa rơi vãi trên bờ để thêm nắm gạo vào nồi cơm, bớt đi những bữa sắn độn! Các bác, các chị tay liềm thoăn thoắt bứt rạ về phơi khô. Loại tốt thì đánh tranh lợp nhà, loại xấu thì đánh thành đống cất để đun bếp. Ruộng nứt toác ra, chờ mưa xuống người ta mới đưa trâu ra đồng để cày bừa làm vụ mới.


Đạp xe đến đầu làng, tôi dừng chân. Ngày xưa, nơi đây là cây đa chỗ trẻ con chúng tôi cho trâu nấp bóng trong những buổi trưa hè. Những chú trâu bụng căng tròn nằm hóng mát, miệng chầm chậm nhai “trầu”. Lũ trẻ con chúng tôi trần truồng, đen nhẽm vùng vẫy trên kênh, mương. Hò hét chơi đánh trận giả, để rồi đầu tóc, mặt mũi lấm lem bùn đất. Tắm chán chê, bọn trẻ chúng tôi lên bờ. Mấy đứa tranh nhau nằm gối đầu trên những cội rể đa trồi lên mặt đất, ngắm nhìn đàn cò trắng bay nhởn nhơ trên bầu trời trong xanh. Còn lại mấy đứa đi mót khoai lang về ăn sống.


Cây đa giờ đây đã không còn, năm tháng già cỗi đã đổ gãy trong một trận bão, nhưỡng chỗ cho cây bàng đang tỏa bóng. Tôi ngồi xuống gốc bàng, cảm nhận từng ngọn gió thoáng mát từ mặt nước ngoài ruộng thổi vào. Vắng bóng trẻ con. Trẻ con bây giờ không còn đi chăn trâu như chúng tôi ngày xưa nữa. Có lẽ giờ này chúng đang say sưa với những bài tập cho đợt thi cuối năm, hay đang xem một bộ phim hoạt hình nào đó?


Cởi dép để chân trần, tôi lội ra bờ ruộng, nghe âm thanh của bùn đất như đang cựa quậy dưới bàn chân, nghe mùi ngai ngái của cỏ năn, cỏ lác gần gũi quen thuộc mùi đồng chiêm, để nhớ về những ngày chăn trâu, cắt cỏ, bắt cá, bắt cua nơi này… Như cay cay sống mũi khi nhớ đến mẹ. Cũng nơi này, mẹ đã cho tôi những con cào cào, con cà cuống lận trong lưng quần khi làm đồng về.


Đến quán nước đầu làng, bà chủ quán cất tiếng: “Bác về quê chơi à, vào làm bát nước chè xanh cho mát đã”. Mới sực nhớ, mình mang theo chai nước mà quên cả uống. Quán nước này có rất lâu rồi. Xưa, quán lợp tranh rạ, vách đất ngai ngái mùi bùn. Đơn sơ, nhưng ấm tình nên đông khách. Khách chủ yếu người làng. Họ đi làm đồng về ghé uống cốc nước chè xanh, làm thanh kẹo lạc, hút điếu thuốc lá thư giãn sau buổi làm đồng. Tôi vào quán gọi bát chè xanh. Mùi chè thơm, vị chát ngọt đưa lên đầu lưỡi làm dịu đi cơn khát nắng hè. Bên kia, có mấy bà đang bàn tán chuyện nhà, chuyện làng, chuyện đời… Ở bàn bên phía sau, các lão ông đang nhâm nhi chén nước chè xanh, phấn khởi vì năm nay lúa được mùa, được giá. Thỉnh thoảng có ông rít một hơi thuốc lá, phà khói lên trần nhà.


Nhìn sang bên kia đường, mấy khóm hoa loa kèn nhà ai nở bung như những chiếc kèn đồng, đang khoe sắc màu. Màu hoa đỏ hồng đang bung xòe, rung rinh trong gió. Hoa loa kèn thoảng chút hương đồng nội mang cái dung dị của cô thôn nữ, nhưng cũng ẩn chứa chút kiêu sa của thị thành, mỏng manh nhưng mà lộng lẫy. Ngắm hoa để lòng xao xuyến nhớ cô bạn năm xưa đã tặng tôi ngày lên đường nhập ngũ…


Chiều, tôi ra bờ đê xem lũ trẻ chơi thả diều. Bờ đê lộng gió. Những chiếc diều đủ sắc màu đang vi vút trên không trung tạo nên những hình ảnh như rồng cuộn trên mây. Ngày xưa, chúng tôi làm được con diều không phải chuyện dễ. Khó nhất là tạo được khung diều để cho nó hút gió đưa diều bay cao. Dây diều thì xe sợi gai phơi khô, quấn vào ống bơ. Bây giờ trẻ con vào quán, chỉ vài chục nghìn thế là có diều, tha hồ chạy nhảy.


Hoàng hôn dần buông, lũ trẻ cũng đã về hết. Tôi nán lại ngồi một mình trên bờ đê lắng nghe hơi thở của gió, tiếng thầm thì của bờ kênh. Giá như có bãi cỏ, ngả mình, soải chân để nghe tiếng dế gọi bạn tình hay tiếng côn trùng hòa tấu. Nhưng bờ đê bây giờ đã bê tông hóa, hấp hơi nóng đang bốc lên. Ngồi một mình, thả hồn trên dòng kênh để nhớ ngày cùng bạn bè ngụp lặn. Để nhớ về kỉ niệm những tối trốn mẹ cùng lũ bạn đi trộm bưởi, trộm ổi làng bên.


Quê bây giờ đã nhiều đổi khác. Nhà cao, ngói mới. Phố xá đang tiến dần về quê từ cả nếp ăn, lối ở. Người quê bây giờ ít vô tư hơn trước. Cũng phải thôi, cuộc sống hối hả bắt người ta phải lo toan. Trẻ con bây giờ vùi đầu vào học, vào điện thoại, vào những trò chơi điện tử. Chúng đâu có những đêm trăng chơi kéo co, trốn tìm… Cuộc sống quê từng bước dần thay đổi để phù hợp với thế hệ “bốn, năm chấm”. Vẫn thấy tiêng tiếc thế nào ấy!


Nhưng, dù có thay đổi đến mấy cũng là quê. Quê, nơi chắt chiu những tháng năm thơ ấu của biết bao thế hệ; nơi ghi dấu đủ đầy những nỗi vui buồn, đớn đau những mất mát vì bom đạn chiến tranh, vì cuộc mưu sinh. Quê là nơi nâng bước chân ta luôn nhớ về với cội nguồn, về với những kỉ niệm của một thời tuổi trẻ, nơi ta đã từng lớn lên. Quê thắm đượm giọt mồ hôi trên lưng mẹ, nặng gánh những bước chân của cha; nơi để lại trong ta mằn mặn nỗi lòng!



NGUYỄN ĐẠI DUẪN