PDA

View Full Version : Truyện ngắn Đào Phạm Thùy Trang: Mồ côi



BigBoy
08-05-2022, 04:38
– Bữa nay cô mua hến không ạ?


Thằng bé xộc vào quán tôi, bộ quần áo trên người ướt sũng. Chiếc thùng bê loại 5kg trên tay nó đầy ắp những con hến hãy còn tươi xanh vì vừa xúc ở kênh lên.


– Từ từ bé ơi! Hôm qua mới 5kg, nay có nữa làm sao cô ăn hết?


– Vậy mà…con tưởng cứ có hến là cô mua hết! Làm con rủ thằng em đi xúc, giờ sao ta?


Nhìn nét mặt hụt hẫng của nó, tôi không kìm được sự xúc động. Mà quả thật, hai xô này cộng lại cũng 7-8kg, làm sao đây?


– Hay cô mua rồi để…ăn từ từ, hoặc…cho bạn bè cũng được. Có mười lăm ngàn một ký, rẻ mà cô? Thằng bé nài nĩ.


– Ừm…cô không nói mắc rẻ, mà là nhiều quá…Mà thôi con ngồi uống nước đi, cô lấy cái cân rồi tính cho!


– Dạ!


Hai âm giọng thơ trẻ hào hứng vang lên mừng rộn.


Ừ thì tụi nó có lớn lao gì đâu, mới học lớp 7 thôi mà.


https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2021/05/Dao-Pham-Thuy-Trang-vanvn1.jpg
Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang ở Tây Ninh

Nó tên Khương. Lớp 7 nhưng đã mồ cô cha mẹ từ lớp ba. Hồi đó…nó cũng có một mái gia đình với cha mẹ đủ đầy, nhưng cái nghèo luôn đeo đẳng với ngày hai buổi tương rau bằng sự lao động cật lực thì chẳng biết bao lâu mới khá giả. Vậy là người ta rủ ba nó “đi bạn”, một năm đi sáu tháng thôi nhưng tiền đủ xài suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày. Cần thủ tục gì hả? Chỉ cần biết bơi là ô kê hết. Vì có bạn bè bảo lãnh mà.


Ba nó đi, mới đầu mẹ nó đồng ý nhưng chồng đi hoài cũng…bất an. Mẹ nó gọi về, nói rằng vợ chồng thì phải ở bên nhau, rau cháo gì cũng được. Chứ sóng biển mênh mông ai biết được ngày mai? Ba nó bảo, dù sau đi mấy tháng qua cũng giúp gia đình khá hơn, thôi ráng cho anh đi…vài chuyến nữa nha cưng.


Điện thoại vậy, tiền gửi về chứ có “túm” được con người đâu mà nhốt ở nhà. Mẹ của nó thương chồng nên chi tiêu tiết kiệm, còn làm việc ngày mười, mười hai tiếng bên xưởng may để có thêm tiền. Mơ ước sau này của vợ chồng là có một tiệm phô tô ở ngã tư xã, tại chợ ấy mà, cuộc sống sẽ ổn định hơn vì cả xã này chưa có tiệm phô tô nào cả.


Rồi ba nó cũng về sau 3 mùa “đi bạn”. Mơ ước của hai vợ chồng thành hiện thực, cái tiệm phô tô ì xèo khách nhưng không hiểu sao ba nó cứ eng eng sốt về chiều, sụt cân, ăn ít và ho nhiều. Mẹ nó dấm dẳng “Là tại hút thuốc lắm đấy! Gì mà sáng dậy đã “súc miệng” bằng điếu thuốc, tối lên giường mà cũng ráng bập một hơi rồi mới chịu chui vào mùng. Riết rồi không biết mùi chồng là mùi gì luôn”. Ba nó cãi, “Nửa dân số thế giới này đều hút thuốc, vậy vợ của họ không biết mùi chồng hết hả?”. Mẹ nó nguýt dài “Ai thì tui hông biết! Chuyện nhà tui thì tui nói, đi cho dữ rồi về ăn nhậu hút xách nhiều lên”.


Ba nó trầm tư, nói em thông cảm, đi biển lạnh lắm, nửa đêm giữa trời nước mênh mông, không có điếu thuốc sẽ lạnh run từ trong ruột lạnh ra. Tụi anh còn uống nước mắm nhỉ trước khi xuống biển nữa kìa. Xong việc thì uống rượu cho ấm lại…xoay vòng như vậy…riết rồi “tăng đô” hồi nào cũng không hay.


Mẹ nó vỗ vỗ vào tấm lưng gầy đang cơn ho, rằng “Em xót ruột nên nói vậy thôi, mai em đóng cửa tiệm, đưa anh đi khám bệnh”.


Kết quả thăm khám làm ba mẹ nó như trên trời rơi xuống. Lao phổi ư? Tưởng nó ở đâu xa xôi lắm chứ? Hoặc có chăng cũng chừa mình ra, sao lại ưu ái mình thế này? Mà…bệnh này trị làm sao bác sĩ? Tốn bao nhiêu tiền bác sĩ? Có ăn uống, tắm giặt, ngủ nghỉ như bình thường không?


Bác sĩ bấy giờ không chỉ trị bệnh mà còn tư vấn tâm lý cho ba mẹ nó, rằng chỉ cần ăn uống bồi dưỡng, nghỉ nghơi nhiều hơn, thuốc uống đừng bỏ cữ, nhất là bỏ thuốc lá, không uống rượu.


Ba nó uống thuốc đầy đủ, ăn cũng nhiều lên, cân nặng hơn nhưng thuốc lá thì…không bỏ được vì khách tới cứ mời nhau “làm một điếu”, không đốt thì bỏ lòng, rít vài hơi thì sặc sụa rồi một ngày anh ấy sốt li bì, khó thở không dậy được, vợ đưa đi cấp cứu thì hôn mê sâu và ra đi mãi mãi.


https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2021/10/Tranh-Tran-Dinh-Dieu-Cha-con.jpg
Tranh của họa sĩ Trần Đình Diệu
Đau thương chồng chất với nhiều bất ngờ nuối tiếc nên chị sinh ra tâm bệnh và một năm sau ngày chồng mất, chị cũng đành để lại đứa con duy nhất cho mẹ mình.


Bà ngoại Khương ngoài sáu mươi chỉ có đứa con gái duy nhấ nên giờ thương yêu đứa cháu vô cùng. Nhưng bà cũng nghèo, cái dịch vụ phô tô kia đã sang lại cho người khác từ ngày con gái ngã bệnh. Rồi tiền cũng hết. Bây giờ ngoài đan lát, cạo vỏ hạt điều thì bà đi bán vé số để kiếm từng đồng nuôi cháu học hành.


Lâu lắm rồi bà đã ăn chay trường. Ăn chay, chẳng phải cầu khẩn gì đâu, mà đơn giản tàu hủ rẻ hơn thịt vậy thôi. Cháu bà ý tứ nên đã xin ít rau lang, rồi xới đất quanh nhà để có đám rau tươi nõn mỗi sớm mỗi chiều cho chén cơm ngoại thêm xanh. Khương bảo, em cũng không ưa ăn thịt nữa, ít cá khô hay trứng là xong. Bữa cơm của đứa con trai tuổi 13 mà ít ỏi như đứa bé lên tám. Học hành ở lớp thì cố gắng chăm chỉ, ngồi im nghe lời thầy cô giảng để hiểu bài, giờ ra chơi cũng không đi chơi mà tìm thầy cô giáo nhờ giảng lại môn mình chưa hiểu. Em bảo vì biết mình không có điều kiện học thêm nên phải cố gắng chứ mấy lúc nhìn bạn chạy chơi, ăn quà vặt mình cũng rất buồn.


Rồi trong một buổi đi theo bạn tắm kênh, Khương phát hiện dưới lòng kênh có nhiều hến lắm. Ban đầu em không không biết đó là con gì, hốt một vốc về hỏi ngoại mới biết đó là con hến. Vì sao loại nhuyễn thể nước lợ này lại về nước ngọt sinh sống, Khương cũng không biết nữa, chỉ biết hôm ấy em đã xúc hết cả đoạn kênh, được hơn chục ký, xách đi dài đường có người hỏi mua và khi tới quán trà sữa của tôi thì còn dăm ký và tôi mua hết.



Bữa đó em mạnh dạn uống một ly trà sữa “đại ca”, hai xâu cá viên nhưng xịt hết nửa chai tương ớt. Tiếng hít hà rồi lại xin thêm ly trà đá nghe thương đến nao lòng. Em bảo, từ lâu đi qua đi lại quán trà sữa của cô mà con không dám nhìn luôn. Vì nhìn sợ…thèm. Mười ngàn một ly lận! Mười ngàn đó, con mua được ba gói mì, ăn ba bữa sáng. Cá viên chiên thì có học trò nào hông mê hén cô? Nhưng mà mỗi ngày con đi học, bà ngoại cho có năm ngàn, làm sao con dám ăn một cây cá viên? Năm ngàn là một tấm mê bồ dài ba mét của bà ngoại con đó cô.


Tôi không kìm lòng được khi nghe em tâm sự. Nhà tôi chưa giàu nhưng quả thật những món quà vặt như thế, con tôi đã từng ăn đến chán chê. Vậy mà em…chỉ vì mồ côi, đã mất bao nhiêu niềm vui tuổi thơ.


Nhìn em qua khung kính của tủ pha chế, tôi thấy cổ áo em đã sờn rách phơi ra lớp keo thâm kim. Chiếc áo này đã mặc ít nhất là hai năm rồi nên nó ngắn ngủn so với chiều cao của em, vòng kích cũng chật nứt.


Em cầm chiếc áo tôi đưa, mắt sáng bừng mà môi không ngớt lời từ chối “Con không nhận đâu cô. Con có làm gì cho cô đâu mà nhận quà. Ngoại con nói tự nhiên nhận quà của người lạ là không được”. Tôi bảo mình không phải là người lạ, vì mình đã rất quen, con biết cô là bà chủ quán trà sữa, là người mua hến của con mấy lần rồi nên không lạ nữa. Còn áo này là của con trai cô, giờ anh ấy lớn, áo không mặc vừa. Con mà không nhận, cái áo nằm không nó buồn. Chiếc miệng hay mím lại của em bất giác cười to “Vậy con nhận cho cái áo hết buồn ha cô?”.


Tôi và em đã quen nhau từ đó. Tôi dặn em, mỗi buổi đi học về có mệt, cứ ghé vào quán uống trà đá miễn phí, trà sữa thì giảm năm mươi phần trăm và mỗi khi câu được cá hay xúc hến cứ đem tới tôi mua hết.


Khương ngồi xốc mãi rổ hến, nhặt nhạnh vài cái vỏ vài hạt sỏi, nhánh rong rêu như để làm đẹp thêm xô hến cho người mua vừa lòng vậy. Tôi phì cười bảo em:


– Thôi đừng lựa nữa con. Cô mua rồi mà! Bảy ký tất cả, trăm lẻ năm ngàn nhé!


Gương mặt đen nhẻm nở nụ cười rạng rỡ rồi đôi cánh tay vung lên:


– Ồ dze! Cảm ơn cô! Mai mốt tụi con xúc bán cho cô nữa nhaaaa


Chiếc xe đạp vù đi, chiếc rổ màu đỏ trên cổ xe của em xa rồi mà cứ như một đốm lửa giữa đường trưa thanh vắng.



ĐÀO PHẠM THÙY TRANG