BigBoy
27-02-2021, 06:28
Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng tới tuổi trưởng thành lại vào thành phố học hành, lập nghiệp. Mới ngày nào còn tuổi tóc xanh, nay ngó lại đã “Ngũ thập tri thiên mệnh”.
Đôi khi tôi ngồi lẩn thẩn nghĩ, nếu cuộc đời được cấu trúc như một bài tập làm văn, bao gồm “mở bài, thân bài, kết luận”, thì mình đang ở khúc “thân bài”. Là thân phận này đang gửi gắm nơi đô thị, với đoạn trước là nông thôn, còn khúc kết thì chưa biết nơi nào.
https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2019/10/Tran-Nha-Thuy-thv-1-300x196.jpg
Nhà văn Trần Nhã Thụy
Dĩ nhiên, cuộc đời không giống như bài văn, nhưng tôi vẫn muốn có một đoạn kết thú vị, chứ không phải là phần “thân bài kéo dài”. Có nghĩa là, tôi không muốn sống ở thành phố trong những năm tháng của tuổi xế chiều.
Khi tuổi già, nhiều người ước muốn trở về quê hương ấu thơ. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi cũng đồng thời nhận ra rằng “ra đi là mất quê hương/ nửa đời ngoái lại con đường vời xa”. Cái chốn quê trong ký ức ấy, giờ đã đổi thay và phai lạt đi quá nhiều. Cái kiểu như nếu mình nhớ mối tình đầu thì cứ để nỗi nhớ cháy trong tâm tưởng, chớ dại mà tìm gặp lại người xưa, vì cuộc gặp gỡ có nguy cơ làm hỏng hết mọi thứ vốn ảo diệu. Đời không như là mơ là vậy.
Với thêm nữa, khi càng có tuổi thì quan niệm về quê nhà cũng đổi khác. Nơi chôn nhau cắt rún, ắt hẳn là quê nhà. Nhưng bất kỳ đâu trong nước Việt thì cũng là đất Mẹ quê hương. Nói cho cùng thì quê nhà nào cũng giống nhau. Cũng đất đai, sông suối, đồng ruộng, cỏ cây… Cũng bầu trời sao đêm, bầy đom đóm lập lòe, mùi hương hoa cỏ dại… Cũng nhường nhịn, yêu thương chân tình, tối lửa tắt đèn có nhau… Quê nhà nào cũng vậy. Người quê nào cũng thế.
“Vô luận là góc biển hay chân trời, cứ được yên lòng ấy là nhà” (Vô luận hải giác dữ thiên nhai, đại để tâm an tức thị gia) đó là câu thơ của Bạch Cư Dị mà tôi rất thích, và càng nghiệm thì càng thấy đúng vô cùng. Nơi nào mang lại cho tâm hồn mình sự nhẹ nhàng, bình yên, làm cho trí mình không cùn lụt, ấy chính là quê nhà. Ấy chính là đất lành.
Thế rồi, trong một sự ngẫu duyên, tôi về Long Mỹ (một xã thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để triển khai phần “kết luận” trong bài văn nhỏ nhoi đời mình.
Nơi tôi ở gần biển Phước Hải, gần núi Minh Đạm và gần gụi vô cùng với thiên nhiên thuần khiết ban sơ.
Khi về đây, tôi được học lại những bài học nông thôn, mà mấy chục năm qua đã bị thời gian cùng những thanh âm cuồng nộ của phố phường đập xóa.
Câu chuyện mà tôi muốn kể đầu tiên là chuyện về những con chó.
Ở quê, dường như nhà nào cũng nuôi vài con chó, không phải chó kiểng mà chó ta giữ nhà. Những con chó này trông rất đẹp và hiền, nhưng thấy người lạ là sủa rất dữ. Đặc biệt ban đêm, khi mình đi ngang qua một cái xóm nào đó thì lập tức những con chó thi nhau sủa. Tiếng chó sủa inh ỏi, kéo dài. “Một chó sủa hình, trăm chó sủa tiếng” của Vương Phù (thi sĩ thời nhà Hán – Trung Quốc) chính là đây. Ban đầu tôi nghĩ vậy và trong bụng lấy làm khó chịu, vì mình đâu phải kẻ gian, cũng không ăn thịt chó, mắc mớ gì mà sủa dữ vậy? Đúng là thứ chó sủa hình, sủa hùa. Nhưng rồi sau, tôi nhận ra câu nói của Vương Phù cũng không hẳn là đúng.
Chó không sủa hình, mà chính là sủa mùi. Bởi ban đêm tối thui làm gì thấy hình thấy bóng? Những con chó nhận ra mùi người lạ từ khoảng cách rất xa. Có buổi chiều, tôi đạp xe ra ngoài một bãi cỏ vắng vẻ thì thấy một con chó từ phía bên kia ao sen nghểnh cổ sủa qua. Hình ảnh ấy khiến tôi không nhịn được cười. Sau tôi mới hiểu là chó đánh hơi rất tài tình. Không chỉ tôi, mà các con tôi cũng bị chó sủa dữ dội mỗi khi di chuyển trong xóm.
Nhưng dần dà, khi chúng tôi về nhà thường xuyên hơn, những con chó không còn sủa nữa, mà chúng vẫy đuôi mừng. Những con chó đã nhận ra mùi người quen, mùi lương thiện.
Còn hai đứa con của chúng tôi cũng dần quen với mùi đồng nội, mùi của phân bò, mùi củi mục, đặc biệt là mùi của các loại cỏ dại như cỏ vòi voi, cỏ trai, nút áo… Giờ thì chúng cũng đã hiểu vì sao mỗi sớm tôi thường đi quanh quẩn trên đường làng, tay cầm một nhánh tre khô nhỏ khều khều vào những bụi cỏ dại.
Trong khu vườn của chúng tôi có một con tắc kè rất to. Lần đầu tiên chạm mặt nó, tôi giật mình sợ hãi. Đêm đến, khi sự tĩnh mịch buông xuống, khi những hạt sương tưới tắm lá hoa, thì tiếng tắc kè cất lên ồn ã và cứ cách đều trên cái khung đêm như được lập trình. Tiếng tắc kè nghe sờ sợ, làm tôi không tài nào chợp mắt được. Ấy thế mà, rất lạ, khi trở về thành phố, đêm nằm ngủ tôi lại nhớ tiếng tắc kè.
“Anh nhớ con tắc kè quá”, tôi buột miệng nói với vợ. Khi nghe tôi nói vậy, bà vợ bật cười. Tưởng nhớ em nào chớ nhớ tiếng tắc kè thì tha hồ. Mà thiệt. Có những hôm về vườn một mình, đêm nằm nghe tiếng tắc kè lại ngủ ngon giấc. Đêm quê quạnh vắng, tiếng tắc kè làm cho mình đỡ trống trải. Ai đó nói tắc kè mang lại điềm lành. Nhưng tôi nghĩ điềm lành nhất chính là thiên nhiên còn trong lành. Vì tắc kè gần như không tồn tại ở những nơi đô thị hóa, những chốn bị ô nhiễm.
Tôi đã trồng rất nhiều hoa và cây trong khu vườn ở Long Mỹ. Cảm động nhất là có bạn đã mang tặng tôi mấy cây bồ kết để trồng nơi góc vườn. Hiện những cây bồ kết ấy đang lên xanh tốt. Và, tôi mường tượng tới cảnh vài ba năm nữa, những cây bồ kết lên cao tỏa bóng mát một góc vườn, mọc ra những chùm trái rồi chín dần đen nhánh. Tôi lại mường tượng cảnh vợ ngồi nướng trái bồ kết nơi góc vườn. Mùi bồ kết chín trên than hồng bay thơm lừng, nhưng cũng làm mình cay xè đôi mắt.
Dường như, khi bước vào vùng tuổi hoài niệm, bất kỳ mùi hương thôn dã nào cũng đều khiến mắt mình cay.
TRẦN NHÃ THỤY
Đôi khi tôi ngồi lẩn thẩn nghĩ, nếu cuộc đời được cấu trúc như một bài tập làm văn, bao gồm “mở bài, thân bài, kết luận”, thì mình đang ở khúc “thân bài”. Là thân phận này đang gửi gắm nơi đô thị, với đoạn trước là nông thôn, còn khúc kết thì chưa biết nơi nào.
https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2019/10/Tran-Nha-Thuy-thv-1-300x196.jpg
Nhà văn Trần Nhã Thụy
Dĩ nhiên, cuộc đời không giống như bài văn, nhưng tôi vẫn muốn có một đoạn kết thú vị, chứ không phải là phần “thân bài kéo dài”. Có nghĩa là, tôi không muốn sống ở thành phố trong những năm tháng của tuổi xế chiều.
Khi tuổi già, nhiều người ước muốn trở về quê hương ấu thơ. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi cũng đồng thời nhận ra rằng “ra đi là mất quê hương/ nửa đời ngoái lại con đường vời xa”. Cái chốn quê trong ký ức ấy, giờ đã đổi thay và phai lạt đi quá nhiều. Cái kiểu như nếu mình nhớ mối tình đầu thì cứ để nỗi nhớ cháy trong tâm tưởng, chớ dại mà tìm gặp lại người xưa, vì cuộc gặp gỡ có nguy cơ làm hỏng hết mọi thứ vốn ảo diệu. Đời không như là mơ là vậy.
Với thêm nữa, khi càng có tuổi thì quan niệm về quê nhà cũng đổi khác. Nơi chôn nhau cắt rún, ắt hẳn là quê nhà. Nhưng bất kỳ đâu trong nước Việt thì cũng là đất Mẹ quê hương. Nói cho cùng thì quê nhà nào cũng giống nhau. Cũng đất đai, sông suối, đồng ruộng, cỏ cây… Cũng bầu trời sao đêm, bầy đom đóm lập lòe, mùi hương hoa cỏ dại… Cũng nhường nhịn, yêu thương chân tình, tối lửa tắt đèn có nhau… Quê nhà nào cũng vậy. Người quê nào cũng thế.
“Vô luận là góc biển hay chân trời, cứ được yên lòng ấy là nhà” (Vô luận hải giác dữ thiên nhai, đại để tâm an tức thị gia) đó là câu thơ của Bạch Cư Dị mà tôi rất thích, và càng nghiệm thì càng thấy đúng vô cùng. Nơi nào mang lại cho tâm hồn mình sự nhẹ nhàng, bình yên, làm cho trí mình không cùn lụt, ấy chính là quê nhà. Ấy chính là đất lành.
Thế rồi, trong một sự ngẫu duyên, tôi về Long Mỹ (một xã thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để triển khai phần “kết luận” trong bài văn nhỏ nhoi đời mình.
Nơi tôi ở gần biển Phước Hải, gần núi Minh Đạm và gần gụi vô cùng với thiên nhiên thuần khiết ban sơ.
Khi về đây, tôi được học lại những bài học nông thôn, mà mấy chục năm qua đã bị thời gian cùng những thanh âm cuồng nộ của phố phường đập xóa.
Câu chuyện mà tôi muốn kể đầu tiên là chuyện về những con chó.
Ở quê, dường như nhà nào cũng nuôi vài con chó, không phải chó kiểng mà chó ta giữ nhà. Những con chó này trông rất đẹp và hiền, nhưng thấy người lạ là sủa rất dữ. Đặc biệt ban đêm, khi mình đi ngang qua một cái xóm nào đó thì lập tức những con chó thi nhau sủa. Tiếng chó sủa inh ỏi, kéo dài. “Một chó sủa hình, trăm chó sủa tiếng” của Vương Phù (thi sĩ thời nhà Hán – Trung Quốc) chính là đây. Ban đầu tôi nghĩ vậy và trong bụng lấy làm khó chịu, vì mình đâu phải kẻ gian, cũng không ăn thịt chó, mắc mớ gì mà sủa dữ vậy? Đúng là thứ chó sủa hình, sủa hùa. Nhưng rồi sau, tôi nhận ra câu nói của Vương Phù cũng không hẳn là đúng.
Chó không sủa hình, mà chính là sủa mùi. Bởi ban đêm tối thui làm gì thấy hình thấy bóng? Những con chó nhận ra mùi người lạ từ khoảng cách rất xa. Có buổi chiều, tôi đạp xe ra ngoài một bãi cỏ vắng vẻ thì thấy một con chó từ phía bên kia ao sen nghểnh cổ sủa qua. Hình ảnh ấy khiến tôi không nhịn được cười. Sau tôi mới hiểu là chó đánh hơi rất tài tình. Không chỉ tôi, mà các con tôi cũng bị chó sủa dữ dội mỗi khi di chuyển trong xóm.
Nhưng dần dà, khi chúng tôi về nhà thường xuyên hơn, những con chó không còn sủa nữa, mà chúng vẫy đuôi mừng. Những con chó đã nhận ra mùi người quen, mùi lương thiện.
Còn hai đứa con của chúng tôi cũng dần quen với mùi đồng nội, mùi của phân bò, mùi củi mục, đặc biệt là mùi của các loại cỏ dại như cỏ vòi voi, cỏ trai, nút áo… Giờ thì chúng cũng đã hiểu vì sao mỗi sớm tôi thường đi quanh quẩn trên đường làng, tay cầm một nhánh tre khô nhỏ khều khều vào những bụi cỏ dại.
Trong khu vườn của chúng tôi có một con tắc kè rất to. Lần đầu tiên chạm mặt nó, tôi giật mình sợ hãi. Đêm đến, khi sự tĩnh mịch buông xuống, khi những hạt sương tưới tắm lá hoa, thì tiếng tắc kè cất lên ồn ã và cứ cách đều trên cái khung đêm như được lập trình. Tiếng tắc kè nghe sờ sợ, làm tôi không tài nào chợp mắt được. Ấy thế mà, rất lạ, khi trở về thành phố, đêm nằm ngủ tôi lại nhớ tiếng tắc kè.
“Anh nhớ con tắc kè quá”, tôi buột miệng nói với vợ. Khi nghe tôi nói vậy, bà vợ bật cười. Tưởng nhớ em nào chớ nhớ tiếng tắc kè thì tha hồ. Mà thiệt. Có những hôm về vườn một mình, đêm nằm nghe tiếng tắc kè lại ngủ ngon giấc. Đêm quê quạnh vắng, tiếng tắc kè làm cho mình đỡ trống trải. Ai đó nói tắc kè mang lại điềm lành. Nhưng tôi nghĩ điềm lành nhất chính là thiên nhiên còn trong lành. Vì tắc kè gần như không tồn tại ở những nơi đô thị hóa, những chốn bị ô nhiễm.
Tôi đã trồng rất nhiều hoa và cây trong khu vườn ở Long Mỹ. Cảm động nhất là có bạn đã mang tặng tôi mấy cây bồ kết để trồng nơi góc vườn. Hiện những cây bồ kết ấy đang lên xanh tốt. Và, tôi mường tượng tới cảnh vài ba năm nữa, những cây bồ kết lên cao tỏa bóng mát một góc vườn, mọc ra những chùm trái rồi chín dần đen nhánh. Tôi lại mường tượng cảnh vợ ngồi nướng trái bồ kết nơi góc vườn. Mùi bồ kết chín trên than hồng bay thơm lừng, nhưng cũng làm mình cay xè đôi mắt.
Dường như, khi bước vào vùng tuổi hoài niệm, bất kỳ mùi hương thôn dã nào cũng đều khiến mắt mình cay.
TRẦN NHÃ THỤY