PDA

View Full Version : Truyện ngắn Trần Bảo Định: Hai Siêu Đất



BigBoy
03-02-2021, 04:47
“Mùi tử khí đầy buồng, Bếp Quy khựng lại khi nhìn thấy thây ma của vợ Hai Siêu Đất nằm cạnh cái siêu đất đang sôi ùng ục nước. Hắn dợm chạy thối trở ra cửa, nhưng có lẽ lòng tham quá độ giục chưn hắn bước sấn tới. Tích tắc, Hai Siêu Đất co giò đá văng siêu đất trúng ngay mặt Bếp Quy. Từng miếng miểng siêu như mũi cây siêu chiến trận đâm nát mặt, khiến hắn té ngửa giãy đành đạch như heo bị thọc huyết”.


https://vanhocsaigon.com/wp-content/uploads/2020/05/Tran-Bao-Dinh-vhsaigon-1a.jpgNhà văn Trần Bảo Định

1.


– Mình ơi! Nặng quá, kéo phụ tui một tay!


Chị Hai, quần vo sát háng đang ì ạch, cố lôi mũi ghe mắc cạn ra khỏi bãi biền lầy.


– Chị Hai, để đó em!


Sáu bỏ ngang ly rượu uống dở, co giò nhảy xuống bến. Bùn quấn sình bắn tung tóe như xác pháo chuột nổ mừng Xuân. Lườn ghe trườn chầm chậm theo lực kéo của đôi tay rắn chắc, ghe chúi mũi chịu sào run bần bật trên mặt nước lăn tăn giao động.


Chằm chằm ngó từng động tác thằng Sáu đẩy đưa và đưa đẩy lắc lư ghe ra khỏi nơi mắc cạn, chị Hai chợt liên tưởng… và thèm thuồng sống lại những ngày xanh.


– Xong rồi, chị Hai!


Tiếng Sáu nhẹ trong cái nhàng như chẳng có gì xảy ra đã lôi bà trở về thực tại. Cái thực tại lặng lẽ buồn vây kín nỗi cô quạnh của người đàn bà chưa một lần thấy dòng sữa của mình cho con bú. Nhiều đêm thầm khóc, rồi chị tự hỏi, trách trời hay trách chồng!?


Thiệt tình nói, từ ngày có thằng Sáu ăn nhờ ở đậu thì vợ chồng chị cũng đỡ chưn đỡ tay và vui nhà vui cửa. Hơn vậy, vắng nó, không hiểu sao chị trông đứng trông ngồi, bồn chồn trong dạ. Thường thì, anh Hai cười khi nhìn bộ dạng của vợ:


– Lát nữa, thằng Sáu nó về tới, mình lo gì!


Thương vợ và càng thương vợ, anh càng thấy có lỗi với người anh thương vì ngần đó năm chung sống, anh bất lực và không thể cho vợ hạnh phúc được mang thai – thứ hạnh phúc tưởng bình thường, nhưng không, đó là thứ hạnh phúc tuyệt cùng của giống cái! – . Uống rượu, anh thường uống rượu buổi chiều và ngắm bóng vợ liêu xiêu nắng trên cây cầu nước gie bến nước.


Mười năm xa xứ, mười năm vợ chồng anh chưa một lần quay về.


Vì yêu, chị đành bỏ cha mẹ trốn theo anh…


Đôi ta như cái đòng đòng


Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha


(Ca dao).


Than thở qua mấy mùa mạ cấy, rồi một đêm sáng trăng quê, anh chị trót dan díu và “đã trót dan díu thì thương nhau cùng” nên cả hai nhứt quyết:


Đôi ta như rắn liu điu


Nước chảy mặc nước, ta dìu lấy nhau


(Ca dao).


Rời làng, anh mang theo người thương và cái siêu đất!


Thời anh luân lạc tới cục đất nầy, thì Lagrange(1) – Chủ tỉnh Tân An – đã hoàn tất việc đào con kinh từ vàm Tuyên Nhơn (sông Vàm Cỏ Tây) thọc thẳng vô Đồng Tháp Mười và dừng lại tại Gãy, người ta gọi là Gãy Cờ Đen(2). Và, tổng Mộc Hóa đã là quận Mộc Hóa(3) được chia ra ba phần ba phía: Bắc – Nam – Giữa, bao gồm 17 làng(4). Anh dắt vợ trụ lại làng Nhơn Ninh thuộc phía Nam. Vợ thắc mắc, thì anh nói: “Ở phía Nam, không làm cũng có ăn”(!). Rồi, đất cũ đãi người mới, và người mới vì cái tình của đất cũ mà sống hào sảng, nghĩa khí. Sức trẻ với tâm hồn trẻ phóng khoáng, anh học lóm theo lề thói của người xưa:”Tứ hải giai huynh đệ”, cho dù trời sinh mỗi người một tính. Những khi đủ vốn liếng cao hứng, anh ngâm nga:


Anh em bốn bể một nhà


Người trong bốn bể đều là anh em


Hồi năm 1932, lần đầu chính quyền thuộc địa Pháp bổ nhiệm người bổn xứ làm Phó Chủ tỉnh Tân An là Nguyễn Văn Tri, và phải đợi 14 năm sau(5) mới có Chủ tỉnh người Việt là Đốc phủ sứ Lê Tấn Nẫm. Lúc bấy giờ, nơi anh chị Hai ở thuộc vùng tự do, chẳng buộc ràng chi những thứ luật pháp, hành chánh của Pháp và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ. Căn nhà vợ chồng anh, như một thứ quán trọ mà khách lữ “tá túc khỏi tốn tiền, ra đi no bụng”. Hỏi vì sao, thì anh cười khanh khách:


– Trời cho hạt ngọc để ăn, đất cho nước để uống. Những thứ đó, nào phải của riêng ta. Chia sẻ cho người, thì mãi mãi mình có cái ăn cái uống.


Chồng đã vậy, vợ còn hơn cả vậy!


Nhà có món ngon vật lạ gì, chị đều để dành cho khách. Người phương xa mới tới, nhứt là người xa phương lâu ngày rất đỗi kinh ngạc và không tin tấm lòng tốt đang xảy ra trước mắt mình. Lai lịch vợ chồng anh chẳng ai rõ, chỉ ràng nhau cái danh xưng: Hai Nhơn Ninh! Người ta gọi vậy là cột tên người vào tên đất, nhằm bày tỏ sự ngưỡng mộ việc làm phải của vợ chồng anh, chớ thiệt ra, tuổi đời của vợ chồng Hai Nhơn Ninh cũng chỉ vừa lú nhú nụ huỳnh mai chưa đủ bốn mươi lần đón Tết.


Thằng Sáu, tuổi đôi mươi sung “sức trai vai lực trẻ”, một trong số người chưn ướt chưn ráo tới Nhơn Ninh khẩn hoang lập ruộng. Sáu chẳng nề hà khi phải đem sức lực giúp người nhờ cậy. Chiều, cứ mỗi chiều xong việc đồng áng; áo vắt vai, Sáu thường lân la đến nhà Hai Nhơn Ninh uống trà nấu bằng cái siêu đất. Nói trà, không là trà mà thịt trái bình bát thay trà. Chị Hai hái trái bình bát xắt lát phơi nắng, rang vàng khử thổ để dành uống dần; uống riết quen miệng và ghiền lúc nào cũng chẳng hay! Thằng Sáu, không rõ nó ghiền nước trái bình bát hay ghiền cái không khí đầm ấm gia đình Hai Nhơn Ninh(?). Hỏi ra, thì ba má thằng Sáu bỏ nhau lúc nó còn đỏ hỏn, ngoại mang về nuôi và chục năm sau, ngoại mất. Từ đó, Sáu lưu linh lạc địa khắp bốn phương; đói quá, nó nhập vô nhóm người tới Nhơn Ninh khẩn đất.


Mưa đầu mùa Đồng Tháp Mười, hạt mưa chỉ ướt áo tơi nhưng sấm thì rền trời, sét thì đánh sáng đất. Cánh đồng Nhơn Ninh bình yên lúc nắng, chết người do sét đánh khi mưa. Do đó, mỗi lần trời gầm chuyển chớp giựt, người làm ruộng bươn bả rời cánh đồng. Nói vậy, chớ người mới tới không phải ai cũng biết.


– Bớ làng xóm! Làng xóm ơi! Cứu… C…ứu…u…


Tiếng la làng chói lói từ ngoài đồng dội về dậy xóm.


Mưa lâm thâm, bầu trời xám xịt, những ánh lửa chớp lóe ngoằn ngoèo như rạch bầu trời. Anh Hai nhảy ngang mương, chạy tuốt ra đồng.


– Mình ơi! Đâu rồi… chú Sáu nó bị…


– Đây! Đây! Em đây, nè!


Chị Hai quýnh quáng mở cửa, giục chồng đưa Sáu vô nhà.


– Không! Không được! Đã bị cái nầy, kỵ để trong nhà mà phải để ngoài sân.


– Mình không thấy mưa sao?


Sáu quặt quà quặt quại trên lưng anh cõng.


– Mình lôi tấm phản ra hè nhà, tui để chú nó nằm tạm ở đó!


Mưa xối xả từng chập, sấm sét gầm gừ dữ dội như muốn xé vụn vạn vật chúng sinh ra muôn mảnh.


– Gối đầu Sáu lên bắp vế, và mình ôm chặt chú nó vào lòng!


– Cái gì? Mình biểu tui mần… Cái gì?


Sửng sốt, chị đứng chết trân.


Anh Hai nói gấp, lời rõ: “Phút sinh tử, cứu người là trên hết! Xin mình đừng câu nệ cái đạo lý nghĩa tào khang”. Thương chồng, chị răm rắp mần theo chỉ dẫn của anh. Mình mẩy chị bắt đầu nóng, và đột ngột hừng hực nóng khi xúc tác hơi đàn ông hoàn toàn khác lạ hơi chồng.


– Ráng chịu đựng, mình! Hơi ấm âm dương từ cơ thể đàn bà sẽ cứu sống đàn ông bị sét đánh, và ngược lại.


Nói chắc cứng với chị, rồi anh quay lưng đi vô nhà đun sôi nước siêu đất.


Mưa ngớt hạt và dứt hẳn. Những ngày tháng ba oi bức đã mát dịu, khí thanh.


2.


Nước nóng từ siêu đất rót ra tô để nguội, anh mớm từng muỗng nước cho Sáu.


– Chú nó nhúc nhích rồi đó, mình!


Chị mừng húm. Anh cười:


– Nhiệt từ thân của mình đã cứu sống một mạng người chết trông thấy!


Toàn thân tê dại, chị không đứng dậy nổi, có lẽ do ôm Sáu khá lâu nên máu lưu thông không đều. Xốc nách bồng, anh hôn vợ, mắt chị rưng rưng. Ngoài hiên nhà, Sáu trở mình, tấm phản kêu tiếng kêu theo tiếng trở…


Hai Nhơn Ninh thương tình Sáu đơn thân nơi đất khách quê người, bèn bàn với vợ giữ chưn Sáu ở lại sau trận nó bị sét đánh chết hụt và cả vợ lẫn chồng, nhận nó là thằng em kết nghĩa. Cũng từ đó, căn nhà hiu quạnh cất trên gò đất trơ vơ bên con rạch heo hút đầy ắp tiếng cười, ấm cúng hơn ngày trước. Gần như mọi việc ruộng rẫy nặng nhọc, thằng Sáu đều thay Hai Nhơn Ninh gánh vác. Rảnh tay, huỡn việc nên anh có điều kiện vừa đi giao du bằng hữu, vừa trị bịnh thời khí bằng nước nấu siêu đất cho bà con ở làng trên xóm dưới và có khi, năm ba bữa mới về. Dần dà, cái siêu đất được những người dứt bịnh mang ơn và họ đồn thổi nó ngang tầm với lò bát quái luyện linh đan cứu nhơn độ thế. Lúc cao hứng, rượu vào lời ra, anh giảng giải: “Siêu đất, vốn là cái ấm làm bằng đất sét nung – nung nghìn độ nóng (?) – dùng để nấu nước hoặc sắc thuốc cho người bịnh uống”. Có người hỏi anh: “Vậy, sao không gọi ấm đất mà lại gọi là siêu đất?”. Anh nói: “Siêu có nghĩa là cao, là vượt lên trên…và đã lên trên, tất nhiên phải đè dưới!”. Rồi, anh cười sảng khoái: “Một thứ siêu đao, binh khí thời xa xưa và hơn vậy, một thứ siêu cường…quá siêu!”. Dân nghèo tin điều anh nói vì qua điều anh nói, cái siêu đất đã chứng minh thằng Sáu thoát chết và bao người thoát khỏi bịnh hiểm nghèo giữa trời đất “Đồng không mông quạnh” thiếu thuốc thang, thiếu đủ trăm bề.


Lần hồi, và cũng chẳng biết từ lúc nào, người Nhơn Ninh quên bẵng cái tên Hai Nhơn Ninh mà họ đã đặt cho anh; thay vào đó, họ gọi anh là Ông Siêu Đất! Thiệt ra, tuổi đời anh chưa đủ để gọi bằng Ông; nhưng vì thiên hạ trân quý việc làm hết lòng cứu người của anh nên sẵn sàng đặc cách, đôn anh từ cái tên trọn lỏn lên hàng Ông. Và, trong thâm tâm, anh cũng hiểu thường thì người thiếu chữ, họ lấy cái nghĩa đối đãi nhau để lấp vào cái chỗ họ thiếu.


Thời cuộc xoay vần thế sự, làng Nhơn Minh mất dần sự bình yên vốn có từ những ngày lưu dân bốn phương rủ nhau tới khai phá đất hoang thành thuộc. Kẻ có tiền đánh hơi đất đai sanh lợi nên mò đến, và người lưu dân đành cầm cố hoặc bán ruộng để giải quyết thắt ngặt gặp phải lúc túng quẩn. Họ mất ruộng ngay trên dây ruộng của họ và chỉ ngày một ngày hai, họ nuốt ngược nỗi đau vào lòng, cam phận làm tá điền cho chủ ruộng mới. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, thế lực thuộc về chủ đất. Trong số thế lực đó, Bếp Quy vượt trội tiền bạc và độc ác. Câu thiệu đầu môi chót lưỡi “Thuận sống, chống chết”, hắn phun ra ngay buổi chiếm hữu ruộng đất vùng Nhơn Ninh. Mọi người, ai nấy đều tức mà không dám giận vì giận, sẽ rước họa vào thân bởi tay Trung úy Rodet, Quận trưởng Mộc Hóa chống lưng hắn.


Nghe truyền, Ông Siêu Đất dùng siêu đất trị bịnh cho bá tánh. Bếp Quy nửa tin nửa ngờ liền sai đám gia nhân ngăn đường chặn ngõ, buộc anh Hai tới nhà hắn để hắn coi sự thể ra sao?


– Em gả cái siêu đất cho qua!


Im lặng! Anh Hai lấy ngón chưn cái ủi ủi mặt đất như Trư Bát Giới khịt khịt mũi lúc gặp yêu quái biến hóa thành thôn nữ.


– Thấy em nghèo thiếu ruộng qua thương! Qua giao dây ruộng mé giáp Tân Hòa cho em, được hôn?


Bếp Quy nói lời xảo ngôn khiến ai nghe cũng mũi lòng, nếu không hề biết gì về cái quá khứ của hắn. Đằng nầy, anh Hai rành hắn từ hồi hắn còn làm bồi bếp Thiếu úy Cardailhaca, Đồn trưởng kiêm Quận trưởng Bình Tịnh bao gồm hai tổng Cửu Cư Hạ và An Ninh Hạ. Do lẹo tẹo với cô đầm Marie, và viên Trung úy nhận được báo cáo: “Ça a eu lieu dans la cuisine” (Chuyện đó xảy ra trong nhà bếp), nên Bếp Quy bị đuổi ra khỏi địa phương.


– Thưa Bếp! Chuyện nầy thì không thể!


– Nghĩa là, em không chịu gả cái siêu đất cho qua?


– Thưa Sếp! Dứt khoát!


Đỏ rần mặt, nổ đom đóm mắt, Bếp Quy trở giọng đe và cũng dứt khoát:


– Vậy, mầy phải rời khỏi đất của tau!


– Đất nầy tui khai phá mà nên, chớ nào phải của Bếp?


Bếp Quy nạt ngang, sừng cồ:


– Trung úy Quận trưởng đã tuyên bố: “Đất nầy thuộc Pháp!”.


Mưa rả rích. Đêm thôn quê buồn não nuột.


– Anh Hai! Bộ anh còn thức?


Sáu nghiêng đầu ra nóp, hỏi.


– Thì, chú em nào khác gì, qua!


Cả hai lồm cồm ngồi dậy, nhóm lửa, bắc siêu đất lên bếp nấu nước.


Và, chị Hai cũng cùng thức dậy lo vo gạo nấu cơm bới ra đồng.


Trầm ngâm, anh Hai ngó ba cái bóng nhảy múa và biến dạng không rõ ràng người. Tự dưng, anh liên tưởng tới cái hỗn độn của vũ trụ thời hỗn mang – một thời gọi là Thái cực – mà đã là Thái cực, thì nó thuộc về huyền bí và vô tận. Chỉ rằng nhìn vạn vật biến hóa biểu lộ hai trạng thái Động – Tĩnh tương phản: Động là Dương và Tĩnh là Âm! Anh không thể giao cái siêu đất cho Bếp Quy, một kẻ không đủ tư cách gìn giữ vật bất ly thân của anh. Đạo lý Âm – Dương nằm gọn nơi cái siêu đất và đạo lý đó, thể hiện qua việc cứu người giúp đời. Buồn – Tâm trạng buồn, khói sương khóc cánh đồng ngày mai bị đồng tiền và quyền lực thu tóm. Lưu dân trắng tay như thuở tay trắng đến cánh đồng!


Rót nước từ siêu đất ra chén, anh thở dài.


Giựt mình, Sáu chẳng hiểu vì sao? Đâu đó, hình như có tiếng vạc ăn đêm kêu lạc lõng giữa trời.


– Cái siêu đất của qua, không là chuyện cổ tích “Cái ấm đất” của ba anh em nhà kia. Cha mẹ mất, hai anh lớn giữ nhà giành vườn tược và người em út, chỉ còn lại cái ấm đất nằm trơ xó bếp. Nhờ ấm đất, người em út cứu được nhiều người khỏi bịnh và nổi tiếng. Về sau, cứu công chúa khỏi bịnh nan y và người em út trở thành Phò mã…!


– Mình đang kể chuyện cho ai nghe?


Ngạc nhiên, chị Hai hỏi chồng.


– Thì, buồn miệng tui kể vậy mà!


– Anh Hai kể, em nghe nè, chị!


Sáu đỡ lời.


– Gần đây, tánh mình tui thấy khác!


Vừa nói, chị Hai vừa bới cơm vô mo nang cho mọi người mang ra ruộng.


– Ông Siêu Đất ơi! Lạy ông, cứu má cháu!


Cháu gái chạy vấp chưn té lên té xuống bờ ruộng, la bài hải.


– Má cháu, sao?


Ông gạn hỏi.


– Má cháu bị chạm!


Cháu gái khóc ồ lên.


Cầm lòng chẳng đặng, chị Hai biết má cháu gái bị rắn cắn và nếu chậm trễ, nọc độc rắn sẽ giết người. Chị giục chồng:


– Thôi, mình đi lẹ đi. Việc ngoài đồng, bữa nay chú Sáu nó và tui lo!


Anh bẹo má chị như tỏ lòng âu yếm, ngỏ lời cảm ơn.


– Mình! Mắc cỡ… Mắc cỡ chết!


3.


Thời tiết chuyển mùa.


Hai chị em mồ hôi lưng ướt đẫm áo vẫn không nghỉ tay, ráng đào cho xong đường mương nước bên trái dây ruộng gò. Cánh đồng đang nắng chang chang và oi bức, bỗng dưng mây màu khói muội đèn chẳng biết từ phương nào nó rủ nhau ùn ùn kéo đến xám xịt bầu trời. Sấm không cùng chớp, rền trời. Chị Hai có cảm giác âm thanh tạo sự rung động và cũng có lúc, sự rung động tạo âm thanh. Trong khi đó, Sáu đã bị sét đánh một lần “Thập tử nhứt sinh”, nên rất nhạy cảm nhận không khí nóng đột ngột và nở quá nhanh gây tiếng nổ đinh tai nhức óc.


– Lẹ lên, Sáu!


Chị Hai, hối thằng Sáu vô miếu đụt mưa như hối chạy giặc.


Trời tối sầm, mưa trút nước xối xả. Chị Hai và Sáu ngồi tựa lưng nhau, mùi ẩm mốc lâu ngày của ngôi miếu hoang khiến cả hai khó chịu, say say… Mỗi lần ánh chớp lóe sáng lọt lòng ngôi miếu, chị Hai thấy khuôn mặt thằng Sáu là kẻ khác, nó vừa kỳ dị vừa liêu trai. Rồi, chị sực nhớ đôi lần chồng chị nói: “Thằng Sáu thoát chết sau trận sét đánh có thể có “Siêu năng lực kỳ lạ”. Nhưng, thường thì phần đời còn lại của nó sẽ rối loạn thần kinh và dòng điện trong người xáo trộn hệ thống, các tế bào thay đổi hoạt động; đồng thời, cũng có khi nhân cách, tâm trạng cùng thay đổi”. Giờ chị nhận rõ điều chồng nói, Thằng Sáu run khi ánh chớp lóe sáng và chị chợt nghĩ: “Hay là, do sự phóng điện giữa đám mây và mặt đất tích điện trái dấu đã ảnh hưởng nặng nề tới cơ thể của nó”(!?).


– Chị Hai! Chắc em… chết!


Giọng líu lưỡi, Sáu nói không tròn tiếng.


– Cái gì? Sáu, nói gì?


Sáu nói nó có cảm giác sẽ bị sét đánh lần nữa và bây giờ, mình mẩy nó đang chuyển động dị thường chẳng khác gì lúc bị sét đánh lần trước.


Chị Hai luýnh quýnh, hỏi:


“Tui biết phải mần sao?”.


Sáu nài nỉ chị Hai ôm nó vào lòng như lần trước.


Chị lưỡng lự muốn từ chối, nhưng rồi trong tình cảnh nầy, chẳng lẽ chị ngó lơ và bỏ mặc thằng em kết nghĩa với vợ chồng chị? Rồi, chị lại nghĩ:


“Dù gì, thì lần trước là do chồng sai biểu. Còn lần nầy… mình đã quên chuyện cũ và cũng không dám tùy tiện mà mần!”.


Lúc nầy, Sáu không còn sức tựa lưng chị, nó ngã xuống nền đất miếu ẩm ướt và chị cũng chẳng nghe nó nói gì nữa. Cuống quýt, chị sợ Sáu bị “nhập thổ” và chẳng đành thấy chết không cứu. Chị lôi Sáu vô sát bệ thờ thần hoàng, gối đầu nó lên bắp vế và làm những động tác tiếp theo giống hệt lần trước. Sáu lạnh co quắp, mặc cái áo sờn vai, rách lưng chị chưa kịp vá. Cởi và đổi áo, chị mơ hồ bơi bồng bềnh trong cảm thức giữa tình thương của người chị với em, của người vợ với chồng. Bằng ảo giác, chị lờ mờ ranh giới thực và mộng. Tự dưng, chị vuốt ve âu yếm người nằm trên bắp vế hệt như từng vuốt ve âu yếm chồng… Và, bất ngờ, chị thèm được quyền làm mẹ!


Chị rùng mình!


Và, thật kỳ lạ, cả hai như cánh đồng khô khát từ lâu – rất lâu, đang mở toác hoác nơi sâu thẳm tâm hồn ngóng đợi cơn mưa rào bất tuyệt! Sức trai mạnh mẽ của Sáu, hơi thở gấp gáp của chị đã bùng lên sự điên dại cơ thể và rồi, cả hai cùng mê lạc vào nhục cảm!


Mưa không ngớt hạt.


– Lạy chị! Sáu lạy chị Hai!


Miệng lắp bắp, Sáu quỳ trước mặt chị.


Khoảnh khắc, Sáu vụt chạy vào mưa gió…


Chị bật khóc!


Tiếng khóc nức nở, trầm khuất và chìm trong sấm sét…



*

– Bẩm Bếp! Con có điều muốn bẩm Bếp.


– Thì, thầy lang cứ việc nói, Bếp nghe!


Thầy lang Mọp – đúng y chang cái tên, dù lớn tuổi hơn cả con giáp nhưng Mọp vẫn xưng hô một con hai con với Bếp – đang đứng cúm rúm sau khi bắt mạch Bếp Quy. Được Bếp cho phép nói, hắn như mở tấm lòng:


– Bẩm Bếp! Bếp có dấu hiệu mất dần khả năng đờn ông.


– Thiệt giỡn thầy lang?


Nói là nói cứng vậy, chớ Bếp Quy không biết rõ mình thì ai mới rõ biết. Gần đây, việc chăn gối, mấy bà vợ chánh thất thứ thất đều chê Bếp rậm rề và cái chuyện đó, cũng chỉ là chọc ngứa.


– Bẩm Bếp! Bếp đương ở ngưỡng mắc chứng dương nuy (liệt dương) là do thận dương hư.


– Giỏi! Thầy lang giỏi! Vậy, ta phải mần sao?


Bếp Quy vừa khen vừa hỏi.


Thầy lang Mọp hí hửng và bèn nói: “Nguyên lý xưa nay, hễ chẩn đoán đúng thì trị dứt bịnh”. Rồi, khẳng định rằng con có cách. Bếp Quy mừng húm, chồm người tới lắc vai thầy lang: “Cách gì?”. Thầy lang Mọp ra chiều bí mật, chậm rãi mách:


– Mười năm, Hai Siêu Đất ở với vợ không có con…


– Việc đó, đâu có gì liên quan tới ta?


– Bẩm Sếp! Có liên quan và đặc biệt có liên quan, chớ sao không!


Thầy lang Mọp kê miệng sát tai Bếp nói nhỏ:


“Nước nấu từ siêu đất giúp thể trạng đờn ông nâng lên thần lực, vợ Hai Siêu Đất đã mang thai và sắp đẻ”! Bếp trỏ mắt kinh ngạc, thầy lang nói luôn:


“Cái siêu đất! Nước nấu siêu đất, tự nó là Âm – Dương hòa thuận khí và một khi, Âm – Dương đã chịu hòa thuận thì khí sẽ vượng. Khí vượng, tất nhiên thận và thần kinh không còn dương hư, âm hư hay suy nhược”.


Thầy lang Mọp đột ngột ngừng nói lấy hơi, tằng hắng nuốt nước miếng thấm giọng, thầy kiến giải:


– Đưa “Thuận hòa Âm Dương vô cơ thể, cũng đồng nghĩa đưa linh dược trị bá bịnh cho con người (!?).


Thuận tay vói lấy chai rượu Tây, Bếp rót tràn ly mời thầy lang. Lần đầu chủ tỏ ra lịch sự, khiêm nhường mời kẻ tôi tớ.


Bấy lâu, dưới mắt Bếp luôn coi thầy lang Mọp là thằng già mọp để nịnh ăn tiền hoặc ăn bữa cơm thừa chung chạ bọn gia nhân. Giờ thì khác và đã khác lắm, Bếp nể phục thầy lang!


– Bấy lâu, cả vùng đất nầy, mấy ai bịnh mà không cậy nhờ nước nấu sôi từ cái siêu đất!


Thầy lang Mọp nói chắc như bắp, và khẳng định:


– Sự huyền bí, điều diệu cơ đều nằm trong cái siêu đất!


Hiểu thâm ý của thầy lang, Bếp Quy quyết đoạt cho bằng được cái siêu đất của Hai Siêu Đất.


4.


Vịn mép giường tre, Hai Siêu Đất cảm nhận độ rung truyền từ vợ và độ rung đó, như báo hiệu chị đang đơn thân lâm trận giành mầm sống cho thai nhi.


Chị Hai tay chưn co giựt, môi tím tái, mặt đỏ như trái gấc chín và chị thở hơi thở đứt quãng.


– Mình ơi! Mình ráng rặn… Rặn thêm chút nữa, con nó sắp chào đời!


Chị Hai run, lã mồ hôi.


Thất thần, Hai Siêu Đất độc thoại: “Mình ơi! ‘Nhứt dạ phu thê, bách dạ ân’, một đêm là vợ chồng thì trăm ngày sau vẫn còn tình nghĩa! Huống chi tụi mình là vợ chồng trên mười năm bao nỡ ‘Sâm Thương vĩnh cách’, sao Sâm sao Thương vĩnh viễn chẳng thấy mặt nhau”! Chợt nghĩ ra điều hệ trọng, Hai Siêu Đất chạy xuống nhà sau bưng nguyên táo bếp lên để gần gần giường chị Hai nằm và anh, nhóm lửa nấu nước siêu đất với hy vọng cầu may…


Cánh đồng qua đêm tối, sáng tỏ dần. Một ngày mới, hy vọng!


Hai Siêu Đất mớm từng giọt nước ấm đã nấu sôi từ siêu đất cho vợ. Tiếp tục rặn, chỉ thấy chưn, đầu đứa bé chưa lọt ra và hình như, chị Hai có phần tỉnh táo hơn. Chẳng biết chị tỉnh táo là nhờ nước siêu đất nấu sôi, hay do sức nóng của lửa xua đuổi bớt cái lạnh nơi cơ thể chị?


– Mình!


Chị gọi khẽ. Tay chị huơ huơ tìm nắm tay chồng.


– Tui nè, mình!


– Lạy mình! Tha tội…


Hai Siêu Đất bụm miệng vợ:


– Mình ơi! Mình không có tội lỗi gì cả. Tui biết chuyện xảy ra ngay từ lúc mình ốm nghén lần đầu.


Cúi xuống hôn bụng vợ, Hai Siêu đất nói lời thanh thản:


– Mình! Cái tui không thể, chú Sáu nó có thể thì tui nào có tiếc chi? Tiếc là tiếc chú nó xấu hổ vội bỏ đi biệt tăm tích. Kẻ biết xấu hổ bởi chuyện làm trái đạo thì kẻ đó là người tốt, rất quý hiếm trong cái xã hội đương thời!


Chị nắm tay chồng, nhưng chẳng thể nào nắm chặt. Hai Siêu Đất linh tính “Thiên tải nan phùng”, ngàn năm khó gặp nhau!


– Mình ơi! Tui đã nói với mình: “Bất kể con ai nằm trong bụng dạ mình là con của tui”!


Nước mắt đầm đìa mặt người mẹ chưa được làm mẹ. Mơ hồ chị nhớ ba má, đàn em nhỏ… nhớ dòng sông quê, nơi lần đầu chị gặp người chị thương! Chị rặn, một sự cố gắng hết sức của người sức hết, hụt hơi và ngừng thở!


Ngoài sân nắng, tiếng người lao xao ồn ào chẳng khác bầy heo ủi vách kêu đói.


– Hai Siêu Đất! Mầy có chịu giao siêu đất cho tau không? Nói!


Bếp Quy tay cầm ba ton, đứng dạng chưn giữa sân. Bu quanh hắn, tụi gia đinh hùng hổ như đám lâu la băng cướp


– Muốn thì Bếp chui vô đây!


Anh Hai nói tỉnh queo.


Rồi, anh sửa mình vợ nằm lại ngay ngắn và vuốt mặt.


Thời gian thê lương trôi qua không gian ngộp thở.


– Bẩm Bếp! Con vô thế cho!


Thầy lang Mọp nịnh hót.


– Hai Siêu Đất nầy, không giao siêu đất cho bất cứ thằng nào, trừ Bếp Quy!


Nghe đã con ráy, Bếp Quy dặn tụi gia đinh cảnh giác, canh gác cẩn thận. Xong xuôi, hắn giở liếp cửa chui vô nhà.


Mùi tử khí đầy buồng, Bếp Quy khựng lại khi nhìn thấy thây ma của vợ Hai Siêu Đất nằm cạnh cái siêu đất đang sôi ùng ục nước. Hắn dợm chạy thối trở ra cửa, nhưng có lẽ lòng tham quá độ giục chưn hắn bước sấn tới. Tích tắc, Hai Siêu Đất co giò đá văng siêu đất trúng ngay mặt Bếp Quy. Từng miếng miểng siêu như mũi cây siêu chiến trận đâm nát mặt, khiến hắn té ngửa giãy đành đạch như heo bị thọc huyết. Bọn gia đinh thất kinh hồn vía, nhào vô lôi chủ ra ngoài. Hoàn hồn, Bếp Quy châm lửa đốt nhà Hai Siêu đất!


Ngọn lửa bén gió, ngùn ngụt cháy!


Hai Siêu Đất ôm thây vợ, nhìn quầng lửa cuồn cuộn khói biến thành khói mây bay về nơi vô định. Anh mỉm cười:


– Lòng không tham, đó mới là báu vật vô giá của đời người… chớ nào phải cái siêu đất!



TRẦN BẢO ĐỊNH___________
(1) Lagrange rời nhiệm sở ngày 13.10.1900 và Burguet, Tham biện hạng 2, thay thế.
(2) Nay, thuộc xã Thạnh Hưng, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
(3) Nghị định ngày 13.7.1932, BACF, 1932, Đệ tam, tam cá nguyệt, ký hiệu J.1488.
(4) Phía Bắc (6 làng): Hưng Điền, Bình Thành Thôn, Thới Bình Trung, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trị/ Phía Nam (6 làng): Thuận Nghĩa Hòa, Thị Đông, Thạnh Hòa, Tân Hòa, Phong Phú, Nhơn Ninh/ Phía Giữa (5 làng): Tuyên Bình, Tuyên Thạnh, Tân Lập, Bình Hòa Thôn, Bình Hiệp/ Bulletin officiel du Sud Việt Nam, 1947.
(5) Nghị định ngày 20.7.1946.