BigBoy
06-01-2021, 04:02
Ngồi chồm hổm cột lại mấy nuột lạt cho chắc cái nôm cá, cụ Sáu nghe tiếng hai Sấm nằm trên võng dỗ con ngủ bằng lời ru buồn:
“Ai về giồng Dứa qua truông
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em”
(Ca dao).
Cụ ngừng tay, vấn thuốc mồi lửa, hút… khói thuốc chờn vờn bay từng sợi tràn ra mái hiên.
– Buồn thúi ruột, sầu nát tâm can! Bây đừng chàng ràng hai thứ đó mà mang tâm bịnh, không thuốc chi chữa khỏi, à nha!
Cụ càm ràm đứa con gái đầu lòng vừa đẻ con so đã góa chồng
Không gian chiều tịch mịch ở cái xứ Ba Giồng[1]. Cái xứ từ thời nội tổ của cụ bỏ đất quê Phong Điền vào đây rất sớm để khẩn hoang. Nói đúng hơn, nội tổ của cụ đùm túm con cháu chạy về phương Nam là để lánh nạn binh đao cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn. Cụ từng nghe người cao tuổi trong tộc họ kể lại: Gốc gác cụ ở ven sông Thác Ma, người làng gọi là sông Độc. Chính là nơi sông Bồ và sông Quảng Trị hội tụ.
Nguồn sông Bồ ở núi Truồi hùng vĩ, giẫy giụa như rắn bị đập đầu giữa rặng Trường Sơn; khi thuần phục nó chảy qua miền cát trắng các truông Phò Trạch, rồi nó đỏng đảnh cái xuân thì mang từng hạt phù sa núi rừng theo nước bồi lắng cánh đồng Kế Môn vàng lúa; trước lúc thả mình vô phá Tam Giang nó chẳng quên mảnh đất Vân Trình… Có điều, những dòng sông ở bản quán của ông, nó hiền hòa và đẹp như dải lụa vào mùa Xuân-Hè, nhưng tới mùa Thu-Đông nó trở chứng mưa mù trời thúi đất, lũ lụt dữ dội và tàn phá những gì gầy dựng được ngay chính nơi nó từng âu yếm chảy qua…
Nhiều đêm cụ thao thức, nhiều đêm cụ ngó chòm sao phương Bắc, mong một lần về thăm cố hương của dòng tộc.
***
Phía hậu đất Ba Giồng là rừng ngập nước chạy lút vô miệt Đồng Tháp Mười, nơi đầy rẫy côn trùng độc hại và thú dữ rình rập; thời khẩn hoang của người đi lập nghiệp thường thốt lên:
“Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê”
(Ca dao).
Thằng cu Lì, cháu ngoại cụ Sáu vừa chèo ghe trên rạch ông Tàng, vừa sực nhớ những chuyện đời do ông ngoại lúc sinh thời thường kể.
Ngoại nói: “Trước khi đất Gia Định có bộ máy hành chính của nhà Nguyễn[2] thì Dương Ngạn Địch cùng bộ tướng người Minh phản Thanh được chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép tới tả ngạn hạ lưu sông Tiền lập Mỹ Tho đại phố. Thiệt ra, lưu dân đã đến khai hoang sinh sống ở xứ sở nầy từ rất sớm”. Cu Lì hỏi ngoại: “Từ rất sớm là từ lúc nào, hả ngoại?”. Ngoại ôm nó trọn lỏn vô lòng nựng nịu, vì thích thằng cháu ngoại hay hỏi cắc cớ và bất ngờ.
Ngoại chậm rãi nói, chớ không vội vã như cái đêm gấp rút dọn nhà từ xứ Ba Giồng xuống đất Hòa Thuận lánh nạn.
– Ba Giồng có khu đất thánh của giáo xứ Ba Giồng thuộc Trấn Định, nhiều bia mộ khắc hình thánh giá với những chữ số năm 1663…[3]
Ngoại chưa nói hết lời, cu Lì vói tay vuốt chòm râu ngoại.
– Vậy, từ rày con không còn sợ thánh thần, ma quỷ nơi đất địa nầy nữa; bởi, tất cả đều là người mình chớ chẳng phải kẻ xa lạ, phải hôn ngoại!
– Thì, thánh thần hay ma quỷ từ can không từ tâm của mình. Trong can ẩn chứa thần khí, ít hay nhiều… còn tùy!
Ngoại vò đầu thằng cháu với bàn tay kém lực, cu Lì chợt thấy thương ngoại và nó ngầm hiểu, rằng sức ngoại đã đi vào buổi hoàng hôn.
2.
Đêm Mồng Mười Tháng Ba, Tiết Thanh Minh còn treo lơ lửng ánh trăng non trên cánh đồng nhấp nhô chỗ thấp chỗ cao, người ta thường gọi là đồng gò nổng. Ngoại phần tuổi cao, phần bị chướng khí chói nước nơi đất lạ nên ngoại vướng bịnh nhiều ngày. Dẫu thuốc thang, cúng vái quỷ thần cũng chẳng giúp ngoại gượng dậy nổi. Lần hồi, ngoại thở hơi thở đuối dần…
Một hôm, ngoại tỉnh táo và có lẽ, lần tỉnh táo cuối cùng của ngoại. Và, ngoại dặn dò má con thằng cu Lì không được khóc khi ngoại về đoàn tụ với ông bà. Má Hai nuốt ngược nước mắt vào lòng, thằng cu Lì không mần được như má, nên nó chạy ra bến nước cho dòng nước mắt chảy theo dòng nước rạch quê người.
Cụ Sáu thương con gái sa vô cảnh “mẹ góa, con mồ côi”, thương thằng cháu ngoại tốt bụng, nhưng mang tính khí “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”; mai nầy, vào chốn phong trần, biết nó có chống chọi nổi sự khốc liệt của cuộc đời chăng?
Bóng tối kéo lê thê qua cánh đồng Hòa Thuận. Ngoại nhoài người, tay mần mò tìm kiếm thằng cu Lì. Thoáng nghe má gọi giựt ngược, nó chạy trối chết vô nhà, ôm ngoại. Hai cẳng ngoại lạnh dần lên xương sống, bàn chưn ngoại lạnh ngắt. Chim cú đậu trên ngọn tre già cất tiếng kêu liên hồi, rồi vụt bay!
⁂
Trời nắng chang chang, cu Lì đổ “mồ hôi mồ kê” đội thúng trái thị, vừa đi vừa hát nghêu ngao trong niềm hứng khởi. Nó nghĩ chắc mẻm, má Hai sẽ vui và khen thưởng công lao nó trèo lên tuột xuống cây thị cổ thụ mọc ở khuôn mộ ông bà Tang, mà thân cây hai người chưa chắc ôm đã xuể.
– Cu! Mầy đội thúng gì nặng chình chịch vậy?
Cậu tư Xệ người quen lối xóm, đương lui cui sửa cái ách cày ở mé chái nhà hỏi vọng ra.
– Trái thị, cậu Tư ơi! Ngày mốt chưng cúng, giỗ ông ngoại.
Cu rấn gân cổ, dõng dạc nói to.
Tư Xệ nghe nó nói, phủi tay bỏ dở công việc, lật đật chạy ra ngõ.
– Chết rồi! Sao mầy dám cả gan hái trái thị ở mộ ông bà Tang?
Cu Lì không hiểu ất giáp gì, nó tỉnh bơ đi một nước về nhà.
Chiều hôm đó, thằng cu sốt li bì. Nhà hết gạo nấu cháo, cậu Tư vét khạp gạo còn được nửa gáo dừa đem qua cho má con nó.
– Sớm mai, thím biểu nó đội thúng trái thị ra mộ ông bà Tang trả lại; đồng thời, khấn vái tạ lỗi với ông bà; bởi nó là, con nít nên chưa hiểu “trời cao đất dầy”.
Lúc ra về, cậu Tư còn dặn đi dặn lại.
3.
Nghe nói cố tổ Lê Phước Tang vốn người đất Lam Kinh. Khi chốn quê thời cuộc nhiễu nhương và đầy biến động, nhứt là cái cảnh “phủ chúa Trịnh, cung vua Lê” thì cố tổ họ Lê Phước bỏ đất Lam Kinh chạy vô Đàng Trong và ngụ cư đất Thuận Hóa.
Tương truyền, tháng 7 năm Ất Dậu (1705), cố tổ họ Lê Phước theo Cai cơ Nguyễn Cửu Vân vô Nam. Xong việc binh đao, an dân và mở mang vùng đất mới, Cai cơ Nguyễn Cửu Vân được chúa Nguyễn thăng chức Trấn Biên doanh phó tướng (1711) cũng là lúc, cố tổ họ Lê Phước rời quân ngũ, đưa cả gia đình và dòng tộc vào khai hoang vùng đất Trà Lọt, Sầm Giang, Cai Lậy.
Họ Lê Phước khởi nghiệp từ vàm rạch Chanh – có người gọi rạch Tranh – Đó là cái vàm của con rạch nhỏ, nối sông Vàm Cỏ Tây dẫn nước về Ba Giồng tạo nên vùng đất trù phú và cũng là nơi, nổ ra những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Tình thế ngày một bất an, gia đình Lê Phước Tang dời về vùng đất Cai Lậy khẩn hoang lập làng Hòa Thuận. Tại đây, ông cùng vợ là bà Ụt huy động lưu dân khắp xứ tụ về, đào kinh “dẫn thủy nhập điền” lay động vùng đất ngủ hàng ngàn năm thức dậy. Rồi, cái ngày con kinh hoàn thành cũng là ngày, vợ ông “nở nhụy khai hoa”; cô con gái đó, ông bà đặt tên Nàng Rồng và con kinh kia, từ ấy mang tên cô con gái đó!
***
Một đêm, ông Tang ngồi thầm hút thuốc trên bộ ván, lắng nghe tiếng mưa rơi lúc nhặt lúc khoan kéo dài qua xóm nhỏ. Bất chợt, ông nghe lao xao của những bước chưn người gấp gáp ở vạt đất đầu hồi.
Và hình như, có ai đó dỡ tấm thảo bạt chui vô nhà.
– Ông Năm ơi, mau giúp cháu!
Tiếng nói khẽ, nhưng cũng đủ nghe quen quen. Qua ánh sáng chớp giựt của sấm sét lọt khe vách, ông Tang nhận ra người.
– Trời đất! Hai Duyệt!
Ông nhảy xổ tới ôm hai Duyệt, đứa cháu nội người bạn của ông, bất kể hai Duyệt mình mẩy ướt nhẹp, quần áo bùn sình. Nghe hai Duyệt thưa chuyện, vợ chồng ông vui ra mặt và đồng ý che chở Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng lánh nạn, trước sự truy sát của quân Tây Sơn.
Hầu chuyện với Nguyễn Ánh, ông thưa rằng:
– Ông nội hai Duyệt là Lê Văn Hiếu, vốn chỗ thân tình có qua lại với nhau. Từ khi, ông nội của cháu Hai trúng gió chết, ba của chú Hai là Lê Văn Toại bỏ vàm Trà Lọt, Hòa Khánh dời về rạch Gầm, làng Hưng Long sinh sống thì tui ít qua lại, vì tuổi cao sức ngày một yếu và đất địa nầy, bây giờ ngày một bất an.
Rồi, ông bộc bạch tấm chơn tình:
– Nghe cháu Hai theo phò chúa, cả nhà tui mừng lắm!
***
Cánh đồng Hòa Thuận nằm chết dí dưới cái nắng quái chiều hôm. Ba cha con ông Tang tiễn Nguyễn Ánh cùng hai Duyệt và đoàn tùy tùng đi một đoạn đường tre cho tới lúc khuất dạng người.
Một hôm, ngồi tước lá dừa bện áo tơi đi mưa, bà Ụt hỏi chồng:
– Tui nghe đầu trên xóm dưới, thiên hạ to nhỏ xầm xì, rằng: “Chúa ra đi có gởi long bào, vàng bạc lại cho mình giữ…”. Việc đó, có hay không vậy mình!
Ông Tang dụi dụi tàn thuốc vào gốc xoài, cười ngất:
– Nếu chúa có gởi thì tui giao mình giữ, chớ tui mần sao giữ?
– Mình nói vậy, tui yên cái bụng rồi. Bởi, hồi ông ngoại sắp nhỏ còn sinh thời, thường dạy con cháu: “Làm bạn với vua như chơi với cọp, giữ đồ của chúa khác gì uống thuốc độc vô người”.
Miệng bà Ụt nói mà tay thì không ngừng công việc. Để vợ vững tin sau khi đã yên cái bụng, ông Tang nói nhỏ vô tai bà:
– Nguyễn Ánh chỉ là chúa, chớ đâu là vua mà có long bào! Miếng ăn còn khi đói khi no, dân đùm dân bọc trong những lúc trốn chui trốn nhủi quân Tây Sơn… thì lấy đâu ra vàng bạc mà gìn với gìữ!
Như sực nhớ điều gì, ông Tang tằng hắng mấy tiếng rồi thấp giọng:
– Lúc hai Duyệt cõng chúa và dắt “bầu đoàn thê tử” qua khỏi rặng tre già cuối xóm để xuống ghe, mình còn hối hả chạy theo ra tới bến nước, gửi chút bạc tiền cho chúa làm lộ phí trốn Tây Sơn.
Vợ chồng ngó nhau cười. Nụ cười thiệt tình hiểu ý nhau.
Thảng đâu áng chừng nửa năm sau, Nàng Rồng mắc bịnh thời khí qua đời. Mất đứa con gái cưng, ông bà Tang chẳng khác chi người thất hồn lạc vía, suốt ngày than khóc rồi ngả bịnh và ngày một trầm trọng dẫu rằng, hai đứa con trai hết lòng chăm sóc, khuyên nhủ.
***
Những tháng cuối năm 1784, quân xâm lược Xiêm đã chiếm đóng từ rạch Trà Lọt (Cái Bè) tới rạch Trà Tân (Cai Lậy). Trai tráng quanh vùng Ba Rài, Long Tiên, Bàn Long, Kim Sơn, Long Hưng, chợ Giữa… háo hức gia nhập nghĩa binh của cậu Bốn[4] chuẩn bị đánh Xiêm, trước khi chúng động binh đánh Mỹ Tho đại phố hòng tiến về Gia Định.
Hai đứa con trai của ông Tang là Lê Phước Tánh tục gọi ba Gương, Lê Phước Thỏa tục gọi tư Sen dù sức khỏe hơn người, nhưng vẫn chần chừ do dự, tiến thoái lưỡng nan.
– Đánh Xiêm, khác gì đánh chúa Nguyễn Ánh; bởi chúa Nguyễn Ánh rước Xiêm về. Đánh vậy, có phải đánh vào cái đạo nghĩa chúa – tôi! Nhược bằng không đánh, an phận thủ thường hoặc theo chúa những mong giữ tình nghĩa cũ thì, mặt mũi nào dám nhìn cục đất nơi ta đương sống.
Trăng khuya nghiêng chếch vòm tre như chở dòng suy nghĩ nghiêng chếch vào trái tim ba Gương, đập nhịp đập rối ren thời sự. Tư Sen thao thức trở mình, ngó lên bàn ba má.
– Đánh thôi, đại huynh! Chúa chẳng ra chúa thì đâu phải chúa.
***
Đại quân Tây Sơn dưới sự thống lĩnh của Nguyễn Huệ đã đến Trấn Định đúng lúc làm nức lòng người. Dân chúng toàn tâm ý theo Nguyễn Huệ đánh quân xâm lược Xiêm. Sẵn sàng và thẳng thắn đáp trả cuồng vọng của Nguyễn Ánh, dù cuồng đó xuất phát từ bất cứ lý do gì.
Ba con rạch: Gầm – Xoài Mút – Rau Răm như ba mũi tên rời khỏi dây cung từ lòng người Sầm Giang nhấn chìm quân Xiêm xuống đáy sông Tiền và, chúng vĩnh viễn làm ma khách!
Mùa hè năm 1785, ba Gương và tư Sen giúp Đô đốc Trấn của Tây Sơn mở con kinh tắt ngang rạch Chanh băng qua cái bàu bèo rộng lớn, biến chỗ hiểm yếu thành một hào lũy ngăn chặn quân Nguyễn Ánh. Người đời sau, đọc trại ra là kinh Bà Bèo?!
Thế sự mang mang, ơn nghĩa không che nổi hận thù trong lòng Nguyễn Ánh. Vừa lên ngôi, Nguyễn Ánh xử tử ba Gương, tư Sen; đồng thời, truy bức dòng họ Lê Phước “tru di tam tộc” và “tịch thu toàn bộ điền sản”. Riêng ông bà Tang dù đã ra người thiên cổ[5], vẫn bị đánh roi lên mộ và mộ bị xích xiềng, vì cái tội “Dưỡng bất giáo” để hai đứa con “đại nghịch bất đạo”.'
4.
Tư Xệ phụ má Hai bưng thúng trái thị để trước đầu ngôi cổ mộ ông bà Tang, miệng khấn vái lầm thầm; thằng cu Lì quỳ miết bên bệ mộ. Nhang khói, tàn vàng bay lãng đãng trời quê.Từ đó, chiều nào cu Lì cũng ra mộ thấp nhang, quét dọn, chẳng khác người giữ mộ.
Như một quy ước, hễ cứ đến đêm trăng rằm trong tháng, có một tốp người bí mật tụ về dưới gốc cây thị nơi mộ ông bà Tang. Cu Lì tò mò rình coi, sự rình coi của cu Lì không qua mắt được tốp người bí mật đó. Nó bị bắt tại trận, té ra người bắt nó là cậu Tư Xệ. Và, tốp người bí mật kia là nghĩa binh của thủ lãnh Thiên Hộ Dương đang trong thời kỳ “tức kỳ yểm cố” để xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười chống quân xâm lược Pháp.
– Tui giao thằng nhỏ cho chị Hai và từ rày, nó khỏi ra mộ ông bà Tang nhang khói, quét dọn.
Đứng chết trâng, hồi lâu má Hai nắm tay Tư Xệ:
– Sao cậu không cho nó theo anh em, để sau nầy nó được bằng chị bằng anh!
***
Trăng đêm hè sáng vằng vặc. Cánh đồng Cái Bè, Cái Thia mờ sương. Cu Lì bấy giờ đã trở thành dũng sĩ dưới trướng Đốc binh Kiều.
Đường ngang ngõ tắt vào đại bản doanh Gò Tháp nó thuộc làu; Mỹ Qúi, Cai Lậy, Mỹ Trà… nó rành như rành lòng bàn tay.
Trước đêm công đồn Mỹ Trà, cu Lì xuống Cái Tàu gặp cậu tư Xệ đang đào hào lũy.
– Mai nầy, nếu cậu có dịp về Hòa Thuận, cậu giao vật nầy cho má cháu và cậu nhớ thắp giùm cháu nén nhang nơi mộ ông bà Tang!
Tư Xệ chưa kịp phản ứng, cu Lì tháo sợi dây chuyền đeo nơi cổ, một kỷ vật của má Hai cho con trước lúc tiễn con vô Gò Tháp theo nghĩa quân Thiên Hộ Dương.
Đêm 21 rạng 22 tháng 7 năm 1865, cu Lì cùng nghĩa binh tấn côngdữ dội và triệt hạ đồn Mỹ Trà; xém chút nữa, nó thộp được cái đầu tên huyện Lộc.
Cu Lì không lui về Cái Thia, nó quay ngược lại Cái Tàu hợp sức đánh chặn đám quân Pháp từ Sài Gòn xuống cứu viện. Hai làng Mỹ Trà, Mỹ Ngãi bị quân Pháp và bọn vong nô giết sạch dân, đốt phá sạch nhà cửa, ruộng vườn.
Thằng cu Lì con của má Hai, đứa cháu ngoại mang tính khí “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của cụ Sáu, đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến lũy chống quân thù xâm lược!.
TRẦN BẢO ĐỊNH
____________________
[1] Ba Giồng, gồm:
Giồng Dứa ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang;
Giồng Cát hay giồng Nhị Bình (còn gọi là giồng Giữa vì nằm giữa hai giồng kia) ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang;
Giồng Thuộc Nhiêu chạy dài từ hai xã Dưỡng Điềm, Điềm Hy, huyện Châu Thành đến xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Vương Hồng Sển, Tạ Chí Đại Trường theo chỉ dẫn của Nguyễn Ngọc Tường).
[2] Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép Dương Ngạn Địch lập Mỹ Tho đại phố. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Kinh lược xứ Gia Định.
[3] Khu đất thánh Ba Giồng, nay thuộc ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
[4] Lê Xuân Giác, người làng Kim Sơn thuộc Sầm Giang.
[5] Phần mộ ông bà Tang ở xã Long Khánh, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và có con rạch được dân chúng đặt tên rạch ông Tang.
“Ai về giồng Dứa qua truông
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em”
(Ca dao).
Cụ ngừng tay, vấn thuốc mồi lửa, hút… khói thuốc chờn vờn bay từng sợi tràn ra mái hiên.
– Buồn thúi ruột, sầu nát tâm can! Bây đừng chàng ràng hai thứ đó mà mang tâm bịnh, không thuốc chi chữa khỏi, à nha!
Cụ càm ràm đứa con gái đầu lòng vừa đẻ con so đã góa chồng
Không gian chiều tịch mịch ở cái xứ Ba Giồng[1]. Cái xứ từ thời nội tổ của cụ bỏ đất quê Phong Điền vào đây rất sớm để khẩn hoang. Nói đúng hơn, nội tổ của cụ đùm túm con cháu chạy về phương Nam là để lánh nạn binh đao cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn. Cụ từng nghe người cao tuổi trong tộc họ kể lại: Gốc gác cụ ở ven sông Thác Ma, người làng gọi là sông Độc. Chính là nơi sông Bồ và sông Quảng Trị hội tụ.
Nguồn sông Bồ ở núi Truồi hùng vĩ, giẫy giụa như rắn bị đập đầu giữa rặng Trường Sơn; khi thuần phục nó chảy qua miền cát trắng các truông Phò Trạch, rồi nó đỏng đảnh cái xuân thì mang từng hạt phù sa núi rừng theo nước bồi lắng cánh đồng Kế Môn vàng lúa; trước lúc thả mình vô phá Tam Giang nó chẳng quên mảnh đất Vân Trình… Có điều, những dòng sông ở bản quán của ông, nó hiền hòa và đẹp như dải lụa vào mùa Xuân-Hè, nhưng tới mùa Thu-Đông nó trở chứng mưa mù trời thúi đất, lũ lụt dữ dội và tàn phá những gì gầy dựng được ngay chính nơi nó từng âu yếm chảy qua…
Nhiều đêm cụ thao thức, nhiều đêm cụ ngó chòm sao phương Bắc, mong một lần về thăm cố hương của dòng tộc.
***
Phía hậu đất Ba Giồng là rừng ngập nước chạy lút vô miệt Đồng Tháp Mười, nơi đầy rẫy côn trùng độc hại và thú dữ rình rập; thời khẩn hoang của người đi lập nghiệp thường thốt lên:
“Tới đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê”
(Ca dao).
Thằng cu Lì, cháu ngoại cụ Sáu vừa chèo ghe trên rạch ông Tàng, vừa sực nhớ những chuyện đời do ông ngoại lúc sinh thời thường kể.
Ngoại nói: “Trước khi đất Gia Định có bộ máy hành chính của nhà Nguyễn[2] thì Dương Ngạn Địch cùng bộ tướng người Minh phản Thanh được chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép tới tả ngạn hạ lưu sông Tiền lập Mỹ Tho đại phố. Thiệt ra, lưu dân đã đến khai hoang sinh sống ở xứ sở nầy từ rất sớm”. Cu Lì hỏi ngoại: “Từ rất sớm là từ lúc nào, hả ngoại?”. Ngoại ôm nó trọn lỏn vô lòng nựng nịu, vì thích thằng cháu ngoại hay hỏi cắc cớ và bất ngờ.
Ngoại chậm rãi nói, chớ không vội vã như cái đêm gấp rút dọn nhà từ xứ Ba Giồng xuống đất Hòa Thuận lánh nạn.
– Ba Giồng có khu đất thánh của giáo xứ Ba Giồng thuộc Trấn Định, nhiều bia mộ khắc hình thánh giá với những chữ số năm 1663…[3]
Ngoại chưa nói hết lời, cu Lì vói tay vuốt chòm râu ngoại.
– Vậy, từ rày con không còn sợ thánh thần, ma quỷ nơi đất địa nầy nữa; bởi, tất cả đều là người mình chớ chẳng phải kẻ xa lạ, phải hôn ngoại!
– Thì, thánh thần hay ma quỷ từ can không từ tâm của mình. Trong can ẩn chứa thần khí, ít hay nhiều… còn tùy!
Ngoại vò đầu thằng cháu với bàn tay kém lực, cu Lì chợt thấy thương ngoại và nó ngầm hiểu, rằng sức ngoại đã đi vào buổi hoàng hôn.
2.
Đêm Mồng Mười Tháng Ba, Tiết Thanh Minh còn treo lơ lửng ánh trăng non trên cánh đồng nhấp nhô chỗ thấp chỗ cao, người ta thường gọi là đồng gò nổng. Ngoại phần tuổi cao, phần bị chướng khí chói nước nơi đất lạ nên ngoại vướng bịnh nhiều ngày. Dẫu thuốc thang, cúng vái quỷ thần cũng chẳng giúp ngoại gượng dậy nổi. Lần hồi, ngoại thở hơi thở đuối dần…
Một hôm, ngoại tỉnh táo và có lẽ, lần tỉnh táo cuối cùng của ngoại. Và, ngoại dặn dò má con thằng cu Lì không được khóc khi ngoại về đoàn tụ với ông bà. Má Hai nuốt ngược nước mắt vào lòng, thằng cu Lì không mần được như má, nên nó chạy ra bến nước cho dòng nước mắt chảy theo dòng nước rạch quê người.
Cụ Sáu thương con gái sa vô cảnh “mẹ góa, con mồ côi”, thương thằng cháu ngoại tốt bụng, nhưng mang tính khí “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”; mai nầy, vào chốn phong trần, biết nó có chống chọi nổi sự khốc liệt của cuộc đời chăng?
Bóng tối kéo lê thê qua cánh đồng Hòa Thuận. Ngoại nhoài người, tay mần mò tìm kiếm thằng cu Lì. Thoáng nghe má gọi giựt ngược, nó chạy trối chết vô nhà, ôm ngoại. Hai cẳng ngoại lạnh dần lên xương sống, bàn chưn ngoại lạnh ngắt. Chim cú đậu trên ngọn tre già cất tiếng kêu liên hồi, rồi vụt bay!
⁂
Trời nắng chang chang, cu Lì đổ “mồ hôi mồ kê” đội thúng trái thị, vừa đi vừa hát nghêu ngao trong niềm hứng khởi. Nó nghĩ chắc mẻm, má Hai sẽ vui và khen thưởng công lao nó trèo lên tuột xuống cây thị cổ thụ mọc ở khuôn mộ ông bà Tang, mà thân cây hai người chưa chắc ôm đã xuể.
– Cu! Mầy đội thúng gì nặng chình chịch vậy?
Cậu tư Xệ người quen lối xóm, đương lui cui sửa cái ách cày ở mé chái nhà hỏi vọng ra.
– Trái thị, cậu Tư ơi! Ngày mốt chưng cúng, giỗ ông ngoại.
Cu rấn gân cổ, dõng dạc nói to.
Tư Xệ nghe nó nói, phủi tay bỏ dở công việc, lật đật chạy ra ngõ.
– Chết rồi! Sao mầy dám cả gan hái trái thị ở mộ ông bà Tang?
Cu Lì không hiểu ất giáp gì, nó tỉnh bơ đi một nước về nhà.
Chiều hôm đó, thằng cu sốt li bì. Nhà hết gạo nấu cháo, cậu Tư vét khạp gạo còn được nửa gáo dừa đem qua cho má con nó.
– Sớm mai, thím biểu nó đội thúng trái thị ra mộ ông bà Tang trả lại; đồng thời, khấn vái tạ lỗi với ông bà; bởi nó là, con nít nên chưa hiểu “trời cao đất dầy”.
Lúc ra về, cậu Tư còn dặn đi dặn lại.
3.
Nghe nói cố tổ Lê Phước Tang vốn người đất Lam Kinh. Khi chốn quê thời cuộc nhiễu nhương và đầy biến động, nhứt là cái cảnh “phủ chúa Trịnh, cung vua Lê” thì cố tổ họ Lê Phước bỏ đất Lam Kinh chạy vô Đàng Trong và ngụ cư đất Thuận Hóa.
Tương truyền, tháng 7 năm Ất Dậu (1705), cố tổ họ Lê Phước theo Cai cơ Nguyễn Cửu Vân vô Nam. Xong việc binh đao, an dân và mở mang vùng đất mới, Cai cơ Nguyễn Cửu Vân được chúa Nguyễn thăng chức Trấn Biên doanh phó tướng (1711) cũng là lúc, cố tổ họ Lê Phước rời quân ngũ, đưa cả gia đình và dòng tộc vào khai hoang vùng đất Trà Lọt, Sầm Giang, Cai Lậy.
Họ Lê Phước khởi nghiệp từ vàm rạch Chanh – có người gọi rạch Tranh – Đó là cái vàm của con rạch nhỏ, nối sông Vàm Cỏ Tây dẫn nước về Ba Giồng tạo nên vùng đất trù phú và cũng là nơi, nổ ra những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Tình thế ngày một bất an, gia đình Lê Phước Tang dời về vùng đất Cai Lậy khẩn hoang lập làng Hòa Thuận. Tại đây, ông cùng vợ là bà Ụt huy động lưu dân khắp xứ tụ về, đào kinh “dẫn thủy nhập điền” lay động vùng đất ngủ hàng ngàn năm thức dậy. Rồi, cái ngày con kinh hoàn thành cũng là ngày, vợ ông “nở nhụy khai hoa”; cô con gái đó, ông bà đặt tên Nàng Rồng và con kinh kia, từ ấy mang tên cô con gái đó!
***
Một đêm, ông Tang ngồi thầm hút thuốc trên bộ ván, lắng nghe tiếng mưa rơi lúc nhặt lúc khoan kéo dài qua xóm nhỏ. Bất chợt, ông nghe lao xao của những bước chưn người gấp gáp ở vạt đất đầu hồi.
Và hình như, có ai đó dỡ tấm thảo bạt chui vô nhà.
– Ông Năm ơi, mau giúp cháu!
Tiếng nói khẽ, nhưng cũng đủ nghe quen quen. Qua ánh sáng chớp giựt của sấm sét lọt khe vách, ông Tang nhận ra người.
– Trời đất! Hai Duyệt!
Ông nhảy xổ tới ôm hai Duyệt, đứa cháu nội người bạn của ông, bất kể hai Duyệt mình mẩy ướt nhẹp, quần áo bùn sình. Nghe hai Duyệt thưa chuyện, vợ chồng ông vui ra mặt và đồng ý che chở Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng lánh nạn, trước sự truy sát của quân Tây Sơn.
Hầu chuyện với Nguyễn Ánh, ông thưa rằng:
– Ông nội hai Duyệt là Lê Văn Hiếu, vốn chỗ thân tình có qua lại với nhau. Từ khi, ông nội của cháu Hai trúng gió chết, ba của chú Hai là Lê Văn Toại bỏ vàm Trà Lọt, Hòa Khánh dời về rạch Gầm, làng Hưng Long sinh sống thì tui ít qua lại, vì tuổi cao sức ngày một yếu và đất địa nầy, bây giờ ngày một bất an.
Rồi, ông bộc bạch tấm chơn tình:
– Nghe cháu Hai theo phò chúa, cả nhà tui mừng lắm!
***
Cánh đồng Hòa Thuận nằm chết dí dưới cái nắng quái chiều hôm. Ba cha con ông Tang tiễn Nguyễn Ánh cùng hai Duyệt và đoàn tùy tùng đi một đoạn đường tre cho tới lúc khuất dạng người.
Một hôm, ngồi tước lá dừa bện áo tơi đi mưa, bà Ụt hỏi chồng:
– Tui nghe đầu trên xóm dưới, thiên hạ to nhỏ xầm xì, rằng: “Chúa ra đi có gởi long bào, vàng bạc lại cho mình giữ…”. Việc đó, có hay không vậy mình!
Ông Tang dụi dụi tàn thuốc vào gốc xoài, cười ngất:
– Nếu chúa có gởi thì tui giao mình giữ, chớ tui mần sao giữ?
– Mình nói vậy, tui yên cái bụng rồi. Bởi, hồi ông ngoại sắp nhỏ còn sinh thời, thường dạy con cháu: “Làm bạn với vua như chơi với cọp, giữ đồ của chúa khác gì uống thuốc độc vô người”.
Miệng bà Ụt nói mà tay thì không ngừng công việc. Để vợ vững tin sau khi đã yên cái bụng, ông Tang nói nhỏ vô tai bà:
– Nguyễn Ánh chỉ là chúa, chớ đâu là vua mà có long bào! Miếng ăn còn khi đói khi no, dân đùm dân bọc trong những lúc trốn chui trốn nhủi quân Tây Sơn… thì lấy đâu ra vàng bạc mà gìn với gìữ!
Như sực nhớ điều gì, ông Tang tằng hắng mấy tiếng rồi thấp giọng:
– Lúc hai Duyệt cõng chúa và dắt “bầu đoàn thê tử” qua khỏi rặng tre già cuối xóm để xuống ghe, mình còn hối hả chạy theo ra tới bến nước, gửi chút bạc tiền cho chúa làm lộ phí trốn Tây Sơn.
Vợ chồng ngó nhau cười. Nụ cười thiệt tình hiểu ý nhau.
Thảng đâu áng chừng nửa năm sau, Nàng Rồng mắc bịnh thời khí qua đời. Mất đứa con gái cưng, ông bà Tang chẳng khác chi người thất hồn lạc vía, suốt ngày than khóc rồi ngả bịnh và ngày một trầm trọng dẫu rằng, hai đứa con trai hết lòng chăm sóc, khuyên nhủ.
***
Những tháng cuối năm 1784, quân xâm lược Xiêm đã chiếm đóng từ rạch Trà Lọt (Cái Bè) tới rạch Trà Tân (Cai Lậy). Trai tráng quanh vùng Ba Rài, Long Tiên, Bàn Long, Kim Sơn, Long Hưng, chợ Giữa… háo hức gia nhập nghĩa binh của cậu Bốn[4] chuẩn bị đánh Xiêm, trước khi chúng động binh đánh Mỹ Tho đại phố hòng tiến về Gia Định.
Hai đứa con trai của ông Tang là Lê Phước Tánh tục gọi ba Gương, Lê Phước Thỏa tục gọi tư Sen dù sức khỏe hơn người, nhưng vẫn chần chừ do dự, tiến thoái lưỡng nan.
– Đánh Xiêm, khác gì đánh chúa Nguyễn Ánh; bởi chúa Nguyễn Ánh rước Xiêm về. Đánh vậy, có phải đánh vào cái đạo nghĩa chúa – tôi! Nhược bằng không đánh, an phận thủ thường hoặc theo chúa những mong giữ tình nghĩa cũ thì, mặt mũi nào dám nhìn cục đất nơi ta đương sống.
Trăng khuya nghiêng chếch vòm tre như chở dòng suy nghĩ nghiêng chếch vào trái tim ba Gương, đập nhịp đập rối ren thời sự. Tư Sen thao thức trở mình, ngó lên bàn ba má.
– Đánh thôi, đại huynh! Chúa chẳng ra chúa thì đâu phải chúa.
***
Đại quân Tây Sơn dưới sự thống lĩnh của Nguyễn Huệ đã đến Trấn Định đúng lúc làm nức lòng người. Dân chúng toàn tâm ý theo Nguyễn Huệ đánh quân xâm lược Xiêm. Sẵn sàng và thẳng thắn đáp trả cuồng vọng của Nguyễn Ánh, dù cuồng đó xuất phát từ bất cứ lý do gì.
Ba con rạch: Gầm – Xoài Mút – Rau Răm như ba mũi tên rời khỏi dây cung từ lòng người Sầm Giang nhấn chìm quân Xiêm xuống đáy sông Tiền và, chúng vĩnh viễn làm ma khách!
Mùa hè năm 1785, ba Gương và tư Sen giúp Đô đốc Trấn của Tây Sơn mở con kinh tắt ngang rạch Chanh băng qua cái bàu bèo rộng lớn, biến chỗ hiểm yếu thành một hào lũy ngăn chặn quân Nguyễn Ánh. Người đời sau, đọc trại ra là kinh Bà Bèo?!
Thế sự mang mang, ơn nghĩa không che nổi hận thù trong lòng Nguyễn Ánh. Vừa lên ngôi, Nguyễn Ánh xử tử ba Gương, tư Sen; đồng thời, truy bức dòng họ Lê Phước “tru di tam tộc” và “tịch thu toàn bộ điền sản”. Riêng ông bà Tang dù đã ra người thiên cổ[5], vẫn bị đánh roi lên mộ và mộ bị xích xiềng, vì cái tội “Dưỡng bất giáo” để hai đứa con “đại nghịch bất đạo”.'
4.
Tư Xệ phụ má Hai bưng thúng trái thị để trước đầu ngôi cổ mộ ông bà Tang, miệng khấn vái lầm thầm; thằng cu Lì quỳ miết bên bệ mộ. Nhang khói, tàn vàng bay lãng đãng trời quê.Từ đó, chiều nào cu Lì cũng ra mộ thấp nhang, quét dọn, chẳng khác người giữ mộ.
Như một quy ước, hễ cứ đến đêm trăng rằm trong tháng, có một tốp người bí mật tụ về dưới gốc cây thị nơi mộ ông bà Tang. Cu Lì tò mò rình coi, sự rình coi của cu Lì không qua mắt được tốp người bí mật đó. Nó bị bắt tại trận, té ra người bắt nó là cậu Tư Xệ. Và, tốp người bí mật kia là nghĩa binh của thủ lãnh Thiên Hộ Dương đang trong thời kỳ “tức kỳ yểm cố” để xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười chống quân xâm lược Pháp.
– Tui giao thằng nhỏ cho chị Hai và từ rày, nó khỏi ra mộ ông bà Tang nhang khói, quét dọn.
Đứng chết trâng, hồi lâu má Hai nắm tay Tư Xệ:
– Sao cậu không cho nó theo anh em, để sau nầy nó được bằng chị bằng anh!
***
Trăng đêm hè sáng vằng vặc. Cánh đồng Cái Bè, Cái Thia mờ sương. Cu Lì bấy giờ đã trở thành dũng sĩ dưới trướng Đốc binh Kiều.
Đường ngang ngõ tắt vào đại bản doanh Gò Tháp nó thuộc làu; Mỹ Qúi, Cai Lậy, Mỹ Trà… nó rành như rành lòng bàn tay.
Trước đêm công đồn Mỹ Trà, cu Lì xuống Cái Tàu gặp cậu tư Xệ đang đào hào lũy.
– Mai nầy, nếu cậu có dịp về Hòa Thuận, cậu giao vật nầy cho má cháu và cậu nhớ thắp giùm cháu nén nhang nơi mộ ông bà Tang!
Tư Xệ chưa kịp phản ứng, cu Lì tháo sợi dây chuyền đeo nơi cổ, một kỷ vật của má Hai cho con trước lúc tiễn con vô Gò Tháp theo nghĩa quân Thiên Hộ Dương.
Đêm 21 rạng 22 tháng 7 năm 1865, cu Lì cùng nghĩa binh tấn côngdữ dội và triệt hạ đồn Mỹ Trà; xém chút nữa, nó thộp được cái đầu tên huyện Lộc.
Cu Lì không lui về Cái Thia, nó quay ngược lại Cái Tàu hợp sức đánh chặn đám quân Pháp từ Sài Gòn xuống cứu viện. Hai làng Mỹ Trà, Mỹ Ngãi bị quân Pháp và bọn vong nô giết sạch dân, đốt phá sạch nhà cửa, ruộng vườn.
Thằng cu Lì con của má Hai, đứa cháu ngoại mang tính khí “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của cụ Sáu, đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến lũy chống quân thù xâm lược!.
TRẦN BẢO ĐỊNH
____________________
[1] Ba Giồng, gồm:
Giồng Dứa ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang;
Giồng Cát hay giồng Nhị Bình (còn gọi là giồng Giữa vì nằm giữa hai giồng kia) ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang;
Giồng Thuộc Nhiêu chạy dài từ hai xã Dưỡng Điềm, Điềm Hy, huyện Châu Thành đến xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. (Vương Hồng Sển, Tạ Chí Đại Trường theo chỉ dẫn của Nguyễn Ngọc Tường).
[2] Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho phép Dương Ngạn Địch lập Mỹ Tho đại phố. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Kinh lược xứ Gia Định.
[3] Khu đất thánh Ba Giồng, nay thuộc ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
[4] Lê Xuân Giác, người làng Kim Sơn thuộc Sầm Giang.
[5] Phần mộ ông bà Tang ở xã Long Khánh, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và có con rạch được dân chúng đặt tên rạch ông Tang.