BigBoy
27-12-2020, 00:11
Người đi một ngả trong năm ngả
Nhớ mãng cầu xiêm, nhớ Ngã Năm!
1.
Thời tráng niên, bác Hai rời Cần Đước xuống Cà Mau đốn cây hầm than ở Tân Ân rồi sau đó lại lên miệt Tân Bằng, Cán Gáo… Dù cực sơn trường vẫn không đủ cái ăn, bác bỏ việc đốn cây hầm than, nhảy qua nghề chèo xuồng bán dạo khóm Cầu Đúc tới miệt Ngã Năm. Tại đây, tình cờ bác Hai gặp bác gái, chẳng thông qua mối lái, cả hai phải lòng mà nên vợ nên chồng. Bác gái khuyên chồng bỏ sông lên bờ, về quê vợ ở Vĩnh Qưới lập vườn, trồng cây ăn trái.
Đang miên man nghĩ chuyện đời riêng của bác Hai, tôi giựt mình khi nghe bác biểu:
“Thanh! Cháu ra ngoài sân bưng mấy cái nia xắt mãng cầu xiêm đã phơi xong hai nắng để chị Năm bây bắt chảo lên rang”.
Bác nhắc chừng chị Năm:
“Giữ lửa nhỏ, trộn đều tay. Thiếu lửa không mùi thơm, dư lửa sẽ bị khét”.
Ngồi chồm hổm, tôi chăm chú coi chị rang mãng cầu: Tay chị xới đều những sợi dọc được xắt theo múi mãng cầu cho đến khi ngả vàng, dậy mùi thơm thì ngưng và bưng xuống bếp. Chị sàng lại, lựa lấy những cọng thiệt giòn.
“Đâu cháu uống thử trà mãng cầu xiêm của bác, coi sao?”.
Bác Hai đẩy tách trà ra cạnh bàn.
Thú thiệt, trước nay tôi uống trà nhưng chưa phân biệt được trà ngon trà dở, nói chi tới việc thưởng thức trà. Tôi hơi bật ngật, nhưng rồi cũng nói đại theo cảm nhận:
“Dạ! Hương thơm rất đặc trưng, vị thanh tự nhiên. Có điều, nó không chua như khi cháu ăn trái mãng cầu xiêm chín”.
“Phải rồi, nó không chua là do bác lựa trái mãng cầu vừa tới độ già”.
Bác Hai nói trong tâm thế tự tin, trải nghiệm. Đột ngột, bác vỗ vai tôi:
“Vậy là cháu cũng thuộc tay sành điệu uống trà!”.
Nghe bác khen, mặt tôi nóng ran, có lẽ do xấu hổ!
“Nói thì nói vậy thôi! Chẳng qua tại mình nghèo nên tiếc tiền mua trà chính hiệu, tạm mượn mãng cầu xiêm thế thân trà”
Lời bác buồn như lá mãng cầu vàng úa, lảo đảo rụng trước sân.
Tôi tính thăm và ở chơi với bác chừng năm ba hôm rồi về. Song, cả nhà bác cố cầm giữ thằng cháu dân Cần Đước, bước chưn quê nán lại mươi ngày nửa tháng.
Bác gái nói:
“Mấy năm bây mới xuống một lần. Một lần xuống thì xuống cho đáng!”.
Không biết nghĩ sao đó, bác gái nói tiếp:
“Bây giờ nhà bác cơm gạo thiếu gì, bây đừng lo!”.
“Thôi! Không nói lôi thôi nữa, khuya mai, con Năm dẫn thằng em nó đi theo bán mãng cầu xiêm cho biết chợ nổi Ngã Năm”.
Bác Hai trai dứt khoát, kết thúc.
Gió biển đan xen gió đồng bằng tạo ra hương đồng muối mặn. Người muốn đi chưa chắc nỡ đi!
* * *
Cuối nguồn sông Hậu, thường thì nắng gắt – nắng biển xâm nhập đồng bằng – nhưng không rát da; nhờ vậy mà làn da phụ nữ nơi đây đẹp mặn mòi, vẻ chân quê! Mùa nồm hay mùa chướng gió, cây trái vẫn kiên cường mọc lên từ vùng đất phèn tiềm tàng, phèn hoạt động nhiễm mặn đọng mùn; và luôn giữ được chất ngon ngọt, sắc tốt tươi.
Lựu(1), lê(2), bình bát(3), mãng cầu
Bốn cây tứ quý, anh sầu một cây.
Nghe câu hò lan man mặt sông khuya tàn vào lúc sắp rạng đông, tôi dợm hỏi chị Năm – con nhà bác – nhưng có lẽ chị đoán được điều tôi muốn hỏi nên chị nói ngay:
“Đó là cách thả lời tỏ tình mang tính ước lệ lứa đôi của chàng trai thương hồ đối với cô gái bán trái cây ở chợ nổi Ngã Năm. Nói huỵch toẹt, đó là kiểu o mèo miệt sông nước”.
Ngớ người, tôi ngỡ ngàng và thích thú, bởi lối sống rất mộc mạc, đậm chơn tình!
Ngẫu hứng, tôi nói giỡn chơi với chị:
“Hay là hồi nãy người ta hò câu hò gởi chị?”.
Chị cười té nước, khiến cây bẹo treo trái mãng cầu xiêm trên chiếc xuồng ba lá chao lắc mạnh.
“Được vậy, chị lạy trời!”.
Chị nói tiếp, giọng buồn buồn:
“Tuổi chị đã bước qua hàng băm rồi!”.
Chị bán khóm, xuồng đậu cận kề, đía vô:
“Có chồng còn hơn ở giá!”.
Cả đám bạn hàng cười rộ mé buổi sớm mai.
Xuồng ghe tấp nập, người đông ken. Sương muối, sương lá, giăng mờ cánh đồng phía Tây châu thổ và mặt nước từ năm ngả sông đổ về. Mỗi ghe hay xuồng đều có cây bẹo treo lủng lẳng mặt hàng cần bán, như là một lời rao đảm bảo chất lượng, giá cả thiệt thà.
Tôi thắc mắc, chị Năm nói:
“Sự dối trá không có ở miệt nầy!”.
Những chiếc xuồng ba lá chụm mũi vào nhau, thoạt nhìn giống y là những cánh sen trông đẹp và bắt mắt. Chị Năm bán mãng cầu xiêm đắt hàng không kịp nghỉ tay, tôi vụng về phụ chị.
Một bà dì đang chồm nửa người lựa mãng cầu quay nhìn tôi rồi hỏi chị Năm:
“Cậu em nầy chắc là người xứ khác?”.
“Dạ, thằng em con nhà chú tui đó, dì Sáu!”.
“Thảo nào!”.
Bà dì buông tiếng gọn hơ, cái gọn hơ của dân miền Tây sông nước.
Vầng đông hé sáng!
Đứng nhổm người, tôi ngó bốn bề đặc ghe xuồng, và trên mỗi ghe xuồng chứa đầy rau củ, bông trái, gạo, muối, cá tôm, thịt, đồ gia dụng, quần áo, vải vóc… Nghĩa là chợ trên đất liền có gì, thì chợ nổi dưới sông có đó.
Chị Năm lấy tay quệt mồ hôi trán rồi nói với tôi:
“Chút xíu rảnh tay, cậu Ba thích ăn lót dạ món gì, nói chị kêu”.
Rồi chị giới thiệu một hơi:
“Cơm tấm sườn bì, bánh tầm xíu mại, hủ tíu, cháo huyết lòng heo…”.
“Lùm xùm mặt nước, làm sao chị kêu?”.
Nửa tin nửa ngờ, tôi hỏi chị.
Chị làm ngơ không trả lời, ra chiều bí mật.
Người mua mãng cầu thưa dần, chị biểu tôi hạ cây bẹo xuống.
“Cậu Ba nó, thích ăn món gì?”.
Ngẫm nghĩ một lát tôi mới nói với chị:
“Em muốn ăn món bánh tầm xíu mại!”.
Chị Năm cột sợi dây trên đầu cây bẹo và thắt một vòng, rồi dựng đứng lên.
Tôi ngạc nhiên, chị thản nhiên:
“Đó là ám hiệu dành cho xuồng bán bánh tầm xíu mại cố định đang đậu thật gần xuồng mình. Nếu là xuồng ghe bán dạo, thay cây bẹo bằng tiếng kèn tượng trưng món hàng họ bán”.
“Nhiều xuồng bán, họ giành nhau thì sao, chị?”.
Chị cười và nói:
“Ở đây, ai cũng sống với nhau bằng cái tình nước, cái nghĩa sông hồ. Và, nếu có va chạm thì họ nhìn nhau cười rồi chèo xuồng đi, nhường nhịn nhau vì cảm thông cùng cảnh ngộ tảo tần sớm hôm. Mần gì có chuyện rủi may, hay tranh giành mối bán?”.
Khoảng mươi phút sau, xuồng bán bánh tầm xíu mại khéo len lỏi giữa vòng vây ghe xuồng và rồi nhẹ nhàng cặp xuồng chị. Mùi nước cốt dừa béo ngậy, mùi xíu mại thơm phức… như chọc ghẹo cái bụng đang đói, lại càng đói thêm.
Nước sông phản chiếu nắng mai sáng bầu trời.
Bưng dĩa bánh tầm còn nóng hổi trên tay, tôi nghe lòng nhẹ tênh, thanh bình và yên ả. Chị nói khẽ:
“Món ăn tuy giản dị, nhưng đầy ắp tình người Ngã Năm!”.
2.
Cả tuần nay, ngày nào tôi cũng ở ngoài vườn mãng cầu xiêm, lúc thúc bên cạnh bác Hai để bác cầm tay chỉ việc về cách trồng cây, cách cho bông thụ phấn… Buổi đầu, tôi chẳng mấy hứng thú và chỉ làm ầu ơ ví dầu… cho bác vui. Thiệt bụng thì lòng tôi trống vắng… nhớ chợ nổi Ngã Năm.
Lúc nghỉ tay, hút thuốc, bác nói:
“Làm gì thì làm, dù có làm tới ông nầy bà nọ; trước hết phải làm người. Đã làm người, phải học lấy một nghề, rồi ngày kia thôi làm ông nầy bà nọ, dùng nghề của mình nuôi miệng nuôi thân”.
“Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh” hả bác?
“Cái thằng nầy!”.
Bác Hai cười, tiếng cười hồn hậu thương cháu con.
Bác tỉ mỉ thực hành thụ phấn bông mãng cầu xiêm, tôi chăm chú coi. Ngón tay trỏ và ngón tay giữa của bác kẹp chặt cuống bông, rồi bác dùng ngón tay cái khều nhẹ – cách mở một cánh bông – và sau đó, bác lấy cây tăm vấn bông gòn chấm chấm lên hạt phấn, phết mơn trớn đều tay, và nhẹ nhàng lên nướm nhụy cái. Bác đồ đi đồ lại ba bốn lần.
“Cháu làm y như bác, sau nầy trái mãng cầu sẽ lớn đều, tròn trĩnh”.
“Sao không để nó tự thụ phấn? Trái lẽ tự nhiên, có khác nào mình cưỡng bức!”
Thắc mắc, tôi hỏi bác.
“Cưỡng bức cái nỗi gì? Mãng cầu xiêm nhiều bông nhưng không dễ đậu trái và nếu có đậu trái, thì trái cũng chẳng nên thân nên hình, bởi nó thường nhỏ hay méo mó”.
Thấy tôi chưa thông, bác cầm bông mãng cầu xiêm, rồi chỉ cặn kẽ:
“Lúc nhụy cái đầy đặn, đủ độ chín thụ phấn thì nhị đực còn non nớt. Tới khi nhị đực chín, nhụy cái sắp và đã héo tàn!”.
Thích thú từ lời nói tới việc làm cụ thể của bác, tôi đâm ghiền tìm hiểu đời sống và sản sinh bông trái cây mãng cầu xiêm; đồng thời, tôi phục lăn sự am tường tri điền lẫn tri viên ở bác.
“Như cháu đã thấy! Khi trổ, đầu bông mãng cầu xiêm chúi xuống và lúc nở, cánh bông mở hi hí… khiến gió, ong bướm khó đem phấn nơi bông khác đến thụ phấn”.
Tôi tự hỏi: “Không lẽ, thượng đế đánh đố chúng sinh?”.
“Vô sinh hoặc hiếm muộn, người còn biết dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Huống gì trồng cây mãng cầu xiêm, người không thay được côn trùng thụ phấn bông!”.
Nghe bác nói, tôi vọt miệng:
“Nghĩa là nhân tạo thủ công bằng tay, phải không bác?”.
“Phải rồi, cháu!”.
Bác kiến giải thêm:
“Sau năm bảy ngày thụ phấn nhân tạo, nếu cháu ngó cuống bông có dáng vẻ lớn hơn và màu xanh, thì việc thụ phấn đã đạt kết quả tốt. Nhưng, nếu cuống bông chuyển màu sậm đen, héo khô, thì đồng nghĩa bông mãng cầu xiêm rụng, không thụ phấn”.
Rồi bác nhấn mạnh:
“Những bông có ba cánh mà ở trong nở hơi lớn, hé mở một cánh, nếu các tiểu nhị màu hơi đen nhạt và bắt đầu tách rời nhau, cháu nhớ cắt để lấy phấn”.
Sợ thằng cháu quên, bác Hai căn dặn mãi:
“Buổi chiều, cắt bông lấy phấn; và cháu nhớ, một bông lấy phấn đủ thụ phấn cho sáu tới tám hoa”.
Xứ Ngã Năm, trời chạng vạng tối, mọi người đã lo ngủ sớm; vì canh tư, người ta lục đục thức dậy chuẩn bị hàng hóa, chèo xuồng ra chợ nổi mua bán. Thao thức, tôi nghĩ vẩn vơ: “Có lẽ, bác Hai muốn mượn tay thằng cháu đem giống cây mãng cầu xiêm về trồng nơi cố hương, như là bày tỏ nỗi niềm nhớ thương cố thổ!?”. Bác tận tâm truyền kinh nghiệm trồng cây, và hay rầy rà mỗi lần tôi lơ đãng. Song, trong trồng trọt, cây trồng dễ ăn như cây mãng cầu xiêm, nhưng ăn cũng không dễ mà phải mất khoảng bốn tháng và có khi hơn, kể từ bông thụ phấn, kết trái. Đó là, chưa nói tới cây mãng cầu xiêm bị kẻ thù tấn công gây bịnh thúi rễ, chết cành.
Tôi đã nhìn thấy loài rệp sáp phá hoại trái mãng cầu xiêm; nhìn thấy những chiếc lá đang xanh tươi, bỗng chốc vàng nhạt, héo úa, rơi rụng… Thực tế đẻ kinh nghiệm và kinh nghiệm chỉ ra nhiều điều, một trong nhiều điều đó là cây mãng cầu ghép gốc cây bình bát. Khi được ghép nhau, dù đất mặn hay phèn; dù nước ngập hay khô hạn thì cây mãng cầu xiêm vẫn sống khỏe và bịnh thúi rễ không xảy ra.
Giờ bác nhìn tôi bằng cái nhìn trìu mến, bác đoan chắc trong những ngày lao động, tôi bắt đầu yêu cây mãng cầu xiêm. Người và cây cận kề, nết cây hòa hợp tính người. Nghe bác Hai gái nói, “Thằng Thanh có duyên với cây mãng cầu xiêm!”; chị Năm liền đế vô:
“Long Hựu quê nội, sau nầy phát triển cây mãng cầu xiêm, công đầu thuộc về cậu Thanh!”.
Giựt mình, tôi giẫy nẫy như đỉa phải vôi, “Sao lại là em?”.
Chúm chím cười, chị Năm không trả lời trả vốn.
“Cây gắn đất, đất gắn người, người có công đất không phụ! Lẽ thường, xưa nay là vậy!”.
Nói chậm rãi, bác Hai nhắc nhở ơn nghĩa phân minh.
3.
Tôi nhớ nhà!
Chị Năm nói:
“Vài hôm nữa, có ghe chở hàng đi Sài Gòn qua ngã kinh Nước Mặn, chị gởi cậu quá giang về Long Hựu”.
Bác Hai cẩn thận biểu tôi thực hành những kiến thức trồng mãng cầu xiêm cho bác coi. Bác khen tôi rành nhưng chưa thạo!
“Vậy là nó cũng sáng dạ rồi đó, ông à!”
Bác gái có ý binh vực thằng cháu chồng.
Bác trai giả lả:
“Rạng mai, cháu với bác ra chợ nổi Ngã Năm”.
“Dạ! Bác cho cháu theo chị Năm…”.
“Chị Năm cháu đi bán hàng, còn bác cháu mình đi chơi!”.
Bác gái chêm vô:
“Đi cùng bác trai, cháu biết đó biết đây!”.
Sực nhớ chái bếp gió thổi tốc lá, bác gái dặn bác trai nhớ mua chục lá chằm dừa nước.
Nắng vén màn sương.
Xuồng lướt sóng, tôi ngồi mũi ngó sau lái. Tay chèo bác mạnh mẽ, gân guốc; dáng bác quắc thước in lồ lộ lên nền trời rạng đông, khiến lòng tôi vừa phục vừa thương bác. Thấy thằng cháu tinh nghịch, vói tay vóc bụm nước sông Ngã Năm; bác Hai lơi mái chèo, chỉ về năm ngã:
“Long Mỹ, Vĩnh Qưới, Phụng Hiệp, Phước Long, Phú Lộc. Pháp đào kinh Quản Lộ – Phụng Hiệp cắt ngang rạch Xẻo Chích, tạo ngã rẽ có năm dòng sông.
Buổi sớm yên gió, bác nói nghe rõ mồn một.
Bác dặn tiếp:
“Ngồi trước mũi, cháu thấy cây bẹo nào có treo vắt mì và đôi đũa thì kêu bác!”.
Dợm nhưng tôi chưa kịp hỏi: “Treo vậy, là tín hiệu xuồng bán thức ăn gì?” thì đã nghe bác nói thêm:
“Bữa nay bác thưởng cháu tô mì hoành thánh, và cũng là mừng cháu học tập trồng cây mãng cầu xiêm đạt kết quả!”.
Tôi chưng hửng. Trên bầu trời, mây hình như ngừng bay. Tôi chỉ thấy từng đàn cò trắng phau, xoải cánh bay và có đàn bay cao, đàn bay thấp.
Bác nói:
“Đàn cò bay cao, đi ăn xa; đàn cò bay thấp, đi ăn gần. Người ly hương đi làm ăn xa, là người đau đáu nhớ cố hương khôn nguôi!”.
Tô mì hoành thánh bốc khói, thơm lừng mùi gia vị đặc trưng chợ nổi Ngã Năm. Sức trẻ, lại đang cơn đói, tôi cắm cúi ăn ngon lành chẳng để ý tới ai.
“Ăn thưởng thức! Bác đãi bụng cháu!”.
“Nghĩa là bác bao bụng?”.
Tôi hỏi kỹ lại cho chắc ăn, tính tôi nhỏ lớn là vậy!
Hóng chuyện tôi hỏi bác Hai, ông bà chủ ghe mì hoành thánh cười hệch hệch:
“Chú em nầy coi bộ hay à nha!”.
Chiếc ghe vừa là nhà, vừa là hàng quán của ông bà.
Tôi cảm nhận bà người Việt lai Miên, còn ông người Tiều lai Việt và việc thờ cúng trên ghe, biểu tượng tín ngưỡng hỗn dung của người miền Tây sông Hậu. Chợ nổi Ngã Năm, quân ngũ nào đếm xuể xuồng ba lá, năm lá, ghe tam bản… với người tứ xứ: Cà Mau, Rạch Giá, Vĩnh Long, Cần Thơ tụ về.
Thong thả nhâm nhi rượu, thỉnh thoảng bác Hai mời chủ quán uống nửa xây chừng cùng vui.
“Anh Hai! Đưa thằng cháu dạo quanh chợ nổi cho nó biết, lát nữa quay lại. Trưa nay, vợ chồng tui mời cơm!”.
Hỏi ra thì bác Hai và chủ quán là chỗ thâm giao từ mấy mươi năm trước.
***
Rượu thấm tình bạn.
“Nghe nói dạo nầy, cháu Năm bán mãng cầu xiêm có tiếng ở chợ nổi. Chúc mừng tài nghệ trồng và chăm sóc của anh Hai!”.
“Cũng chỉ là may rủi thôi!”.
Bác Hai khiêm tốn trả lời.
Chủ quán hỏi bác Hai: ‘’Vì sao gọi mãng cầu xiêm? Xiêm đây, có phải là Xiêm La?’’
‘’Anh hỏi cắc cớ, thiệt tui không biết trả lời sao!
Bác Hai lúng túng.
Bà vợ chủ quán đang lụi hụi bắc chảo ”Mì xào giòn”, nói vọng lên: ”Mãng cầu xiêm(4) là giống trái cây của người Xiêm La, như: Vịt xiêm, chuối xiêm, cá lia thia xiêm…đều bự con, lớn trái. Những giống cây con đó, theo dân gian lưu truyền là do quân Xiêm bỏ lại sau bao lần bị quân Việt đánh tan tác phải tháo chạy về nước”(5).
– Cứ cho vậy đi! Cái gì dân nói là có!
Rồi, mọi người cười hả hê, vui vẻ. Tôi chợt nhận ra cái cốt cách người thương hồ: “Nhìn nhau cười, nhịn nhau sống!”. Con sông Ngã Năm dù đi năm ngả nhưng chẳng nghiêng lòng, vẫn một mực thủy chung: “Cà Mau lên, Vĩnh Qưới vào, Long Mỹ qua, Phụng Hiệp xuống!”.
Gió trưa thổi liu riu ru cơn buồn ngủ.
“Chú em nầy, không uống rượu đã say!”.
Lời chủ quán phân nửa đùa, phân nửa thiệt:
“No thì say, và người đời nói no say!”.
Giấc ngủ chập chờn, trong mơ màng tôi nghe loáng thoáng tiếng chủ quán:
“Tính ra, ít có loại cây nào ra trái không theo mùa, lai rai có trái quanh năm như cây mãng cầu xiêm. Tuần hoàn của chu kỳ không thay đổi: tháng chín ta, hái trái suốt tới hết tháng năm năm sau. Và nó cứ tiếp tục vậy cho tới khoảng ba mươi năm, nếu là mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát”.
“Tụi nầy thèm có miếng đất để trồng cây mãng cầu xiêm, để bỏ cái đời sống lênh đênh trên sông nước. Nhưng, biết đến bao giờ…!?”
Tiếng than của bà chủ quán đánh động tôi thức giấc.
“Cây mãng cầu xiêm, nghĩ cho cùng, là cây của người nghèo. Giờ thì nó chưa ra ngô ra khoai, song trong tương lai không xa lắm, cây mãng cầu xiêm sẽ làm rạng rỡ vùng đất Ngã Năm, một vùng đất mà xưa kia tràm và lau sậy mọc thành rừng”.
Chủ quán hoàn toàn tin cây mãng cầu xiêm xứ sở. Uống cạn ly rượu sau cùng, ánh mắt bác Hai cười.
“Bác Hai! Trước lúc chèo xuồng về, bác nhớ ghé qua mua lá chằm dừa nước”.
Tôi chỉ hướng phía xa có chiếc xuồng dựng cây bẹo treo tấm lá lợp nhà.
“Mèng đéc! Chú em ơi! Đó là bẹo lá bán xuồng chớ nào phải bẹo lá bán lá lợp nhà!”.
Vợ chủ quán cười sặc sụa.
Mắc cỡ cứng mình, tôi ngẫm nghĩ đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
Chợ nổi Ngã Năm vãn khách.
Chiều. Nắng châu thổ xuyên qua tấm rèm ghe mì hoành thánh tròng trành, và niềm tin cây mãng cầu xiêm của chủ quán vẫn còn đọng lại trong tôi!
TRẦN BẢO ĐỊNH
Nhớ mãng cầu xiêm, nhớ Ngã Năm!
1.
Thời tráng niên, bác Hai rời Cần Đước xuống Cà Mau đốn cây hầm than ở Tân Ân rồi sau đó lại lên miệt Tân Bằng, Cán Gáo… Dù cực sơn trường vẫn không đủ cái ăn, bác bỏ việc đốn cây hầm than, nhảy qua nghề chèo xuồng bán dạo khóm Cầu Đúc tới miệt Ngã Năm. Tại đây, tình cờ bác Hai gặp bác gái, chẳng thông qua mối lái, cả hai phải lòng mà nên vợ nên chồng. Bác gái khuyên chồng bỏ sông lên bờ, về quê vợ ở Vĩnh Qưới lập vườn, trồng cây ăn trái.
Đang miên man nghĩ chuyện đời riêng của bác Hai, tôi giựt mình khi nghe bác biểu:
“Thanh! Cháu ra ngoài sân bưng mấy cái nia xắt mãng cầu xiêm đã phơi xong hai nắng để chị Năm bây bắt chảo lên rang”.
Bác nhắc chừng chị Năm:
“Giữ lửa nhỏ, trộn đều tay. Thiếu lửa không mùi thơm, dư lửa sẽ bị khét”.
Ngồi chồm hổm, tôi chăm chú coi chị rang mãng cầu: Tay chị xới đều những sợi dọc được xắt theo múi mãng cầu cho đến khi ngả vàng, dậy mùi thơm thì ngưng và bưng xuống bếp. Chị sàng lại, lựa lấy những cọng thiệt giòn.
“Đâu cháu uống thử trà mãng cầu xiêm của bác, coi sao?”.
Bác Hai đẩy tách trà ra cạnh bàn.
Thú thiệt, trước nay tôi uống trà nhưng chưa phân biệt được trà ngon trà dở, nói chi tới việc thưởng thức trà. Tôi hơi bật ngật, nhưng rồi cũng nói đại theo cảm nhận:
“Dạ! Hương thơm rất đặc trưng, vị thanh tự nhiên. Có điều, nó không chua như khi cháu ăn trái mãng cầu xiêm chín”.
“Phải rồi, nó không chua là do bác lựa trái mãng cầu vừa tới độ già”.
Bác Hai nói trong tâm thế tự tin, trải nghiệm. Đột ngột, bác vỗ vai tôi:
“Vậy là cháu cũng thuộc tay sành điệu uống trà!”.
Nghe bác khen, mặt tôi nóng ran, có lẽ do xấu hổ!
“Nói thì nói vậy thôi! Chẳng qua tại mình nghèo nên tiếc tiền mua trà chính hiệu, tạm mượn mãng cầu xiêm thế thân trà”
Lời bác buồn như lá mãng cầu vàng úa, lảo đảo rụng trước sân.
Tôi tính thăm và ở chơi với bác chừng năm ba hôm rồi về. Song, cả nhà bác cố cầm giữ thằng cháu dân Cần Đước, bước chưn quê nán lại mươi ngày nửa tháng.
Bác gái nói:
“Mấy năm bây mới xuống một lần. Một lần xuống thì xuống cho đáng!”.
Không biết nghĩ sao đó, bác gái nói tiếp:
“Bây giờ nhà bác cơm gạo thiếu gì, bây đừng lo!”.
“Thôi! Không nói lôi thôi nữa, khuya mai, con Năm dẫn thằng em nó đi theo bán mãng cầu xiêm cho biết chợ nổi Ngã Năm”.
Bác Hai trai dứt khoát, kết thúc.
Gió biển đan xen gió đồng bằng tạo ra hương đồng muối mặn. Người muốn đi chưa chắc nỡ đi!
* * *
Cuối nguồn sông Hậu, thường thì nắng gắt – nắng biển xâm nhập đồng bằng – nhưng không rát da; nhờ vậy mà làn da phụ nữ nơi đây đẹp mặn mòi, vẻ chân quê! Mùa nồm hay mùa chướng gió, cây trái vẫn kiên cường mọc lên từ vùng đất phèn tiềm tàng, phèn hoạt động nhiễm mặn đọng mùn; và luôn giữ được chất ngon ngọt, sắc tốt tươi.
Lựu(1), lê(2), bình bát(3), mãng cầu
Bốn cây tứ quý, anh sầu một cây.
Nghe câu hò lan man mặt sông khuya tàn vào lúc sắp rạng đông, tôi dợm hỏi chị Năm – con nhà bác – nhưng có lẽ chị đoán được điều tôi muốn hỏi nên chị nói ngay:
“Đó là cách thả lời tỏ tình mang tính ước lệ lứa đôi của chàng trai thương hồ đối với cô gái bán trái cây ở chợ nổi Ngã Năm. Nói huỵch toẹt, đó là kiểu o mèo miệt sông nước”.
Ngớ người, tôi ngỡ ngàng và thích thú, bởi lối sống rất mộc mạc, đậm chơn tình!
Ngẫu hứng, tôi nói giỡn chơi với chị:
“Hay là hồi nãy người ta hò câu hò gởi chị?”.
Chị cười té nước, khiến cây bẹo treo trái mãng cầu xiêm trên chiếc xuồng ba lá chao lắc mạnh.
“Được vậy, chị lạy trời!”.
Chị nói tiếp, giọng buồn buồn:
“Tuổi chị đã bước qua hàng băm rồi!”.
Chị bán khóm, xuồng đậu cận kề, đía vô:
“Có chồng còn hơn ở giá!”.
Cả đám bạn hàng cười rộ mé buổi sớm mai.
Xuồng ghe tấp nập, người đông ken. Sương muối, sương lá, giăng mờ cánh đồng phía Tây châu thổ và mặt nước từ năm ngả sông đổ về. Mỗi ghe hay xuồng đều có cây bẹo treo lủng lẳng mặt hàng cần bán, như là một lời rao đảm bảo chất lượng, giá cả thiệt thà.
Tôi thắc mắc, chị Năm nói:
“Sự dối trá không có ở miệt nầy!”.
Những chiếc xuồng ba lá chụm mũi vào nhau, thoạt nhìn giống y là những cánh sen trông đẹp và bắt mắt. Chị Năm bán mãng cầu xiêm đắt hàng không kịp nghỉ tay, tôi vụng về phụ chị.
Một bà dì đang chồm nửa người lựa mãng cầu quay nhìn tôi rồi hỏi chị Năm:
“Cậu em nầy chắc là người xứ khác?”.
“Dạ, thằng em con nhà chú tui đó, dì Sáu!”.
“Thảo nào!”.
Bà dì buông tiếng gọn hơ, cái gọn hơ của dân miền Tây sông nước.
Vầng đông hé sáng!
Đứng nhổm người, tôi ngó bốn bề đặc ghe xuồng, và trên mỗi ghe xuồng chứa đầy rau củ, bông trái, gạo, muối, cá tôm, thịt, đồ gia dụng, quần áo, vải vóc… Nghĩa là chợ trên đất liền có gì, thì chợ nổi dưới sông có đó.
Chị Năm lấy tay quệt mồ hôi trán rồi nói với tôi:
“Chút xíu rảnh tay, cậu Ba thích ăn lót dạ món gì, nói chị kêu”.
Rồi chị giới thiệu một hơi:
“Cơm tấm sườn bì, bánh tầm xíu mại, hủ tíu, cháo huyết lòng heo…”.
“Lùm xùm mặt nước, làm sao chị kêu?”.
Nửa tin nửa ngờ, tôi hỏi chị.
Chị làm ngơ không trả lời, ra chiều bí mật.
Người mua mãng cầu thưa dần, chị biểu tôi hạ cây bẹo xuống.
“Cậu Ba nó, thích ăn món gì?”.
Ngẫm nghĩ một lát tôi mới nói với chị:
“Em muốn ăn món bánh tầm xíu mại!”.
Chị Năm cột sợi dây trên đầu cây bẹo và thắt một vòng, rồi dựng đứng lên.
Tôi ngạc nhiên, chị thản nhiên:
“Đó là ám hiệu dành cho xuồng bán bánh tầm xíu mại cố định đang đậu thật gần xuồng mình. Nếu là xuồng ghe bán dạo, thay cây bẹo bằng tiếng kèn tượng trưng món hàng họ bán”.
“Nhiều xuồng bán, họ giành nhau thì sao, chị?”.
Chị cười và nói:
“Ở đây, ai cũng sống với nhau bằng cái tình nước, cái nghĩa sông hồ. Và, nếu có va chạm thì họ nhìn nhau cười rồi chèo xuồng đi, nhường nhịn nhau vì cảm thông cùng cảnh ngộ tảo tần sớm hôm. Mần gì có chuyện rủi may, hay tranh giành mối bán?”.
Khoảng mươi phút sau, xuồng bán bánh tầm xíu mại khéo len lỏi giữa vòng vây ghe xuồng và rồi nhẹ nhàng cặp xuồng chị. Mùi nước cốt dừa béo ngậy, mùi xíu mại thơm phức… như chọc ghẹo cái bụng đang đói, lại càng đói thêm.
Nước sông phản chiếu nắng mai sáng bầu trời.
Bưng dĩa bánh tầm còn nóng hổi trên tay, tôi nghe lòng nhẹ tênh, thanh bình và yên ả. Chị nói khẽ:
“Món ăn tuy giản dị, nhưng đầy ắp tình người Ngã Năm!”.
2.
Cả tuần nay, ngày nào tôi cũng ở ngoài vườn mãng cầu xiêm, lúc thúc bên cạnh bác Hai để bác cầm tay chỉ việc về cách trồng cây, cách cho bông thụ phấn… Buổi đầu, tôi chẳng mấy hứng thú và chỉ làm ầu ơ ví dầu… cho bác vui. Thiệt bụng thì lòng tôi trống vắng… nhớ chợ nổi Ngã Năm.
Lúc nghỉ tay, hút thuốc, bác nói:
“Làm gì thì làm, dù có làm tới ông nầy bà nọ; trước hết phải làm người. Đã làm người, phải học lấy một nghề, rồi ngày kia thôi làm ông nầy bà nọ, dùng nghề của mình nuôi miệng nuôi thân”.
“Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh” hả bác?
“Cái thằng nầy!”.
Bác Hai cười, tiếng cười hồn hậu thương cháu con.
Bác tỉ mỉ thực hành thụ phấn bông mãng cầu xiêm, tôi chăm chú coi. Ngón tay trỏ và ngón tay giữa của bác kẹp chặt cuống bông, rồi bác dùng ngón tay cái khều nhẹ – cách mở một cánh bông – và sau đó, bác lấy cây tăm vấn bông gòn chấm chấm lên hạt phấn, phết mơn trớn đều tay, và nhẹ nhàng lên nướm nhụy cái. Bác đồ đi đồ lại ba bốn lần.
“Cháu làm y như bác, sau nầy trái mãng cầu sẽ lớn đều, tròn trĩnh”.
“Sao không để nó tự thụ phấn? Trái lẽ tự nhiên, có khác nào mình cưỡng bức!”
Thắc mắc, tôi hỏi bác.
“Cưỡng bức cái nỗi gì? Mãng cầu xiêm nhiều bông nhưng không dễ đậu trái và nếu có đậu trái, thì trái cũng chẳng nên thân nên hình, bởi nó thường nhỏ hay méo mó”.
Thấy tôi chưa thông, bác cầm bông mãng cầu xiêm, rồi chỉ cặn kẽ:
“Lúc nhụy cái đầy đặn, đủ độ chín thụ phấn thì nhị đực còn non nớt. Tới khi nhị đực chín, nhụy cái sắp và đã héo tàn!”.
Thích thú từ lời nói tới việc làm cụ thể của bác, tôi đâm ghiền tìm hiểu đời sống và sản sinh bông trái cây mãng cầu xiêm; đồng thời, tôi phục lăn sự am tường tri điền lẫn tri viên ở bác.
“Như cháu đã thấy! Khi trổ, đầu bông mãng cầu xiêm chúi xuống và lúc nở, cánh bông mở hi hí… khiến gió, ong bướm khó đem phấn nơi bông khác đến thụ phấn”.
Tôi tự hỏi: “Không lẽ, thượng đế đánh đố chúng sinh?”.
“Vô sinh hoặc hiếm muộn, người còn biết dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Huống gì trồng cây mãng cầu xiêm, người không thay được côn trùng thụ phấn bông!”.
Nghe bác nói, tôi vọt miệng:
“Nghĩa là nhân tạo thủ công bằng tay, phải không bác?”.
“Phải rồi, cháu!”.
Bác kiến giải thêm:
“Sau năm bảy ngày thụ phấn nhân tạo, nếu cháu ngó cuống bông có dáng vẻ lớn hơn và màu xanh, thì việc thụ phấn đã đạt kết quả tốt. Nhưng, nếu cuống bông chuyển màu sậm đen, héo khô, thì đồng nghĩa bông mãng cầu xiêm rụng, không thụ phấn”.
Rồi bác nhấn mạnh:
“Những bông có ba cánh mà ở trong nở hơi lớn, hé mở một cánh, nếu các tiểu nhị màu hơi đen nhạt và bắt đầu tách rời nhau, cháu nhớ cắt để lấy phấn”.
Sợ thằng cháu quên, bác Hai căn dặn mãi:
“Buổi chiều, cắt bông lấy phấn; và cháu nhớ, một bông lấy phấn đủ thụ phấn cho sáu tới tám hoa”.
Xứ Ngã Năm, trời chạng vạng tối, mọi người đã lo ngủ sớm; vì canh tư, người ta lục đục thức dậy chuẩn bị hàng hóa, chèo xuồng ra chợ nổi mua bán. Thao thức, tôi nghĩ vẩn vơ: “Có lẽ, bác Hai muốn mượn tay thằng cháu đem giống cây mãng cầu xiêm về trồng nơi cố hương, như là bày tỏ nỗi niềm nhớ thương cố thổ!?”. Bác tận tâm truyền kinh nghiệm trồng cây, và hay rầy rà mỗi lần tôi lơ đãng. Song, trong trồng trọt, cây trồng dễ ăn như cây mãng cầu xiêm, nhưng ăn cũng không dễ mà phải mất khoảng bốn tháng và có khi hơn, kể từ bông thụ phấn, kết trái. Đó là, chưa nói tới cây mãng cầu xiêm bị kẻ thù tấn công gây bịnh thúi rễ, chết cành.
Tôi đã nhìn thấy loài rệp sáp phá hoại trái mãng cầu xiêm; nhìn thấy những chiếc lá đang xanh tươi, bỗng chốc vàng nhạt, héo úa, rơi rụng… Thực tế đẻ kinh nghiệm và kinh nghiệm chỉ ra nhiều điều, một trong nhiều điều đó là cây mãng cầu ghép gốc cây bình bát. Khi được ghép nhau, dù đất mặn hay phèn; dù nước ngập hay khô hạn thì cây mãng cầu xiêm vẫn sống khỏe và bịnh thúi rễ không xảy ra.
Giờ bác nhìn tôi bằng cái nhìn trìu mến, bác đoan chắc trong những ngày lao động, tôi bắt đầu yêu cây mãng cầu xiêm. Người và cây cận kề, nết cây hòa hợp tính người. Nghe bác Hai gái nói, “Thằng Thanh có duyên với cây mãng cầu xiêm!”; chị Năm liền đế vô:
“Long Hựu quê nội, sau nầy phát triển cây mãng cầu xiêm, công đầu thuộc về cậu Thanh!”.
Giựt mình, tôi giẫy nẫy như đỉa phải vôi, “Sao lại là em?”.
Chúm chím cười, chị Năm không trả lời trả vốn.
“Cây gắn đất, đất gắn người, người có công đất không phụ! Lẽ thường, xưa nay là vậy!”.
Nói chậm rãi, bác Hai nhắc nhở ơn nghĩa phân minh.
3.
Tôi nhớ nhà!
Chị Năm nói:
“Vài hôm nữa, có ghe chở hàng đi Sài Gòn qua ngã kinh Nước Mặn, chị gởi cậu quá giang về Long Hựu”.
Bác Hai cẩn thận biểu tôi thực hành những kiến thức trồng mãng cầu xiêm cho bác coi. Bác khen tôi rành nhưng chưa thạo!
“Vậy là nó cũng sáng dạ rồi đó, ông à!”
Bác gái có ý binh vực thằng cháu chồng.
Bác trai giả lả:
“Rạng mai, cháu với bác ra chợ nổi Ngã Năm”.
“Dạ! Bác cho cháu theo chị Năm…”.
“Chị Năm cháu đi bán hàng, còn bác cháu mình đi chơi!”.
Bác gái chêm vô:
“Đi cùng bác trai, cháu biết đó biết đây!”.
Sực nhớ chái bếp gió thổi tốc lá, bác gái dặn bác trai nhớ mua chục lá chằm dừa nước.
Nắng vén màn sương.
Xuồng lướt sóng, tôi ngồi mũi ngó sau lái. Tay chèo bác mạnh mẽ, gân guốc; dáng bác quắc thước in lồ lộ lên nền trời rạng đông, khiến lòng tôi vừa phục vừa thương bác. Thấy thằng cháu tinh nghịch, vói tay vóc bụm nước sông Ngã Năm; bác Hai lơi mái chèo, chỉ về năm ngã:
“Long Mỹ, Vĩnh Qưới, Phụng Hiệp, Phước Long, Phú Lộc. Pháp đào kinh Quản Lộ – Phụng Hiệp cắt ngang rạch Xẻo Chích, tạo ngã rẽ có năm dòng sông.
Buổi sớm yên gió, bác nói nghe rõ mồn một.
Bác dặn tiếp:
“Ngồi trước mũi, cháu thấy cây bẹo nào có treo vắt mì và đôi đũa thì kêu bác!”.
Dợm nhưng tôi chưa kịp hỏi: “Treo vậy, là tín hiệu xuồng bán thức ăn gì?” thì đã nghe bác nói thêm:
“Bữa nay bác thưởng cháu tô mì hoành thánh, và cũng là mừng cháu học tập trồng cây mãng cầu xiêm đạt kết quả!”.
Tôi chưng hửng. Trên bầu trời, mây hình như ngừng bay. Tôi chỉ thấy từng đàn cò trắng phau, xoải cánh bay và có đàn bay cao, đàn bay thấp.
Bác nói:
“Đàn cò bay cao, đi ăn xa; đàn cò bay thấp, đi ăn gần. Người ly hương đi làm ăn xa, là người đau đáu nhớ cố hương khôn nguôi!”.
Tô mì hoành thánh bốc khói, thơm lừng mùi gia vị đặc trưng chợ nổi Ngã Năm. Sức trẻ, lại đang cơn đói, tôi cắm cúi ăn ngon lành chẳng để ý tới ai.
“Ăn thưởng thức! Bác đãi bụng cháu!”.
“Nghĩa là bác bao bụng?”.
Tôi hỏi kỹ lại cho chắc ăn, tính tôi nhỏ lớn là vậy!
Hóng chuyện tôi hỏi bác Hai, ông bà chủ ghe mì hoành thánh cười hệch hệch:
“Chú em nầy coi bộ hay à nha!”.
Chiếc ghe vừa là nhà, vừa là hàng quán của ông bà.
Tôi cảm nhận bà người Việt lai Miên, còn ông người Tiều lai Việt và việc thờ cúng trên ghe, biểu tượng tín ngưỡng hỗn dung của người miền Tây sông Hậu. Chợ nổi Ngã Năm, quân ngũ nào đếm xuể xuồng ba lá, năm lá, ghe tam bản… với người tứ xứ: Cà Mau, Rạch Giá, Vĩnh Long, Cần Thơ tụ về.
Thong thả nhâm nhi rượu, thỉnh thoảng bác Hai mời chủ quán uống nửa xây chừng cùng vui.
“Anh Hai! Đưa thằng cháu dạo quanh chợ nổi cho nó biết, lát nữa quay lại. Trưa nay, vợ chồng tui mời cơm!”.
Hỏi ra thì bác Hai và chủ quán là chỗ thâm giao từ mấy mươi năm trước.
***
Rượu thấm tình bạn.
“Nghe nói dạo nầy, cháu Năm bán mãng cầu xiêm có tiếng ở chợ nổi. Chúc mừng tài nghệ trồng và chăm sóc của anh Hai!”.
“Cũng chỉ là may rủi thôi!”.
Bác Hai khiêm tốn trả lời.
Chủ quán hỏi bác Hai: ‘’Vì sao gọi mãng cầu xiêm? Xiêm đây, có phải là Xiêm La?’’
‘’Anh hỏi cắc cớ, thiệt tui không biết trả lời sao!
Bác Hai lúng túng.
Bà vợ chủ quán đang lụi hụi bắc chảo ”Mì xào giòn”, nói vọng lên: ”Mãng cầu xiêm(4) là giống trái cây của người Xiêm La, như: Vịt xiêm, chuối xiêm, cá lia thia xiêm…đều bự con, lớn trái. Những giống cây con đó, theo dân gian lưu truyền là do quân Xiêm bỏ lại sau bao lần bị quân Việt đánh tan tác phải tháo chạy về nước”(5).
– Cứ cho vậy đi! Cái gì dân nói là có!
Rồi, mọi người cười hả hê, vui vẻ. Tôi chợt nhận ra cái cốt cách người thương hồ: “Nhìn nhau cười, nhịn nhau sống!”. Con sông Ngã Năm dù đi năm ngả nhưng chẳng nghiêng lòng, vẫn một mực thủy chung: “Cà Mau lên, Vĩnh Qưới vào, Long Mỹ qua, Phụng Hiệp xuống!”.
Gió trưa thổi liu riu ru cơn buồn ngủ.
“Chú em nầy, không uống rượu đã say!”.
Lời chủ quán phân nửa đùa, phân nửa thiệt:
“No thì say, và người đời nói no say!”.
Giấc ngủ chập chờn, trong mơ màng tôi nghe loáng thoáng tiếng chủ quán:
“Tính ra, ít có loại cây nào ra trái không theo mùa, lai rai có trái quanh năm như cây mãng cầu xiêm. Tuần hoàn của chu kỳ không thay đổi: tháng chín ta, hái trái suốt tới hết tháng năm năm sau. Và nó cứ tiếp tục vậy cho tới khoảng ba mươi năm, nếu là mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát”.
“Tụi nầy thèm có miếng đất để trồng cây mãng cầu xiêm, để bỏ cái đời sống lênh đênh trên sông nước. Nhưng, biết đến bao giờ…!?”
Tiếng than của bà chủ quán đánh động tôi thức giấc.
“Cây mãng cầu xiêm, nghĩ cho cùng, là cây của người nghèo. Giờ thì nó chưa ra ngô ra khoai, song trong tương lai không xa lắm, cây mãng cầu xiêm sẽ làm rạng rỡ vùng đất Ngã Năm, một vùng đất mà xưa kia tràm và lau sậy mọc thành rừng”.
Chủ quán hoàn toàn tin cây mãng cầu xiêm xứ sở. Uống cạn ly rượu sau cùng, ánh mắt bác Hai cười.
“Bác Hai! Trước lúc chèo xuồng về, bác nhớ ghé qua mua lá chằm dừa nước”.
Tôi chỉ hướng phía xa có chiếc xuồng dựng cây bẹo treo tấm lá lợp nhà.
“Mèng đéc! Chú em ơi! Đó là bẹo lá bán xuồng chớ nào phải bẹo lá bán lá lợp nhà!”.
Vợ chủ quán cười sặc sụa.
Mắc cỡ cứng mình, tôi ngẫm nghĩ đúng là đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
Chợ nổi Ngã Năm vãn khách.
Chiều. Nắng châu thổ xuyên qua tấm rèm ghe mì hoành thánh tròng trành, và niềm tin cây mãng cầu xiêm của chủ quán vẫn còn đọng lại trong tôi!
TRẦN BẢO ĐỊNH