PDA

View Full Version : Tình yêu của loài thú



Kiemsi
27-08-2020, 23:41
Tôi đọc được trên một trang mạng một bài gồm 3 câu chuyện về tình yêu của loài thú vật, không hiểu có ai đó đã dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng hôm nay, tôi sẽ dịch theo ngôn ngữ PP để cống hiến các bạn.

Khi nhắc đến từ “ Thú vật” hay “ Súc sinh”...chúng ta thường cho rằng, đấy là loài man rợ, không có tình cảm, nhưng chúng ta sao không nhìn lại mình, loài người dã man đã chiếm đất, chiếm núi, chiếm rừng, chiếm biển, rồi chiếm cả bầu trời của các loại chim muông, thú rừng, hải sản...bức chúng cùng đường. Đến cả người với người còn không dung tha cho nhau, thù hận, giết chóc triền miên. Chúng ta chén thịt thú rừng ngon lành, nhưng khi chúng xơi lại chúng ta thì bị cho là súc vật, nên tiêu diệt ngay.

Theo thống kê của các nhà khoa học về sự tuyệt chủng, trong số những loài sinh vật đã từng sống trên trái đất, thì có 97% đã hoàn toàn biến mất, một phần do các thiên thạch va chạm vào nhau, do thiên tai, do biến đổi khí hậu và gần đây là do con người săn bắt để mần thịt.

Khi tôi mới sang Việt Nam, được một cậu em đãi ăn thịt thú rừng, mới đầu không dám ăn, cảm thấy vô lương tâm, nhưng thấy Phương đại ca ngồm ngoàm nhai rồi tớp rượu vô họng, dáng dấp đê mê, tôi bị hấp dẫn nhắm mắt đánh chén liều, quên cả thế giới xanh, quên cả tình yêu với thú rừng...Rồi đến khi tôi đọc được bài viết này, lòng đau quặn và hứa sẽ vĩnh viễn không ăn thịt thú nữa, cũng như tôi không bao giờ ăn thịt chó vậy, tôi đã viết ở một bài khác rằng, nếu như ăn thịt chó mà cho tôi sống thêm 10 năm, tôi cũng chẳng bao giờ ăn.

Đây là những câu chuyện có thực...

1. Phi độ Linh Dương

Tôi đã từng chứng kiến một cái chết bi hùng dị thường, chính vì sự chứng kiến tử vong này, làm rung động sâu sắc đến linh hồn tôi, từ đó, tôi không và tuyệt đối không sát hại những sinh linh dù là một sinh linh bé bỏng...  

Trong một lần săn bắn Linh Dương (Himalayan goral), một loài giống như sơn dương, chúng thích chạy nhẩy, đùa cợt với nhau khi ăn cỏ, tính tình chúng hiền hòa, cân nặng thường là hơn 30kg, là một con vật mà dân đi săn thích săn bắn nhất.

Hôm ấy, chúng tôi bao vây dàn trận, lùa khoảng hơn 60 con Linh Dương đến bên bờ vực thẳm của dãy núi Bulang (Bulang Mountain), với ý định để chúng ngã xuống vực, rồi xuống nhặt xác, đỡ tốn đạn.

Khi đã dồn chúng đến bên bờ vực, chúng tôi chờ đợi khoảng 30 phút để xem chúng nhẩy xuống vực, nhưng, bỗng chốc một con Linh Dương già cất tiếng hú lớn, cả đội ngũ Linh Dương lập tức chia ra làm hai hàng, một bên là những con Linh Dương già, một bên là những con còn non trẻ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu sao chúng lại chia nhau ra như vậy?

Khi ấy, bên đội Linh dương già bước ra một con dê đực, lông của nó mọc dài đầy cổ và thân, trên khuôn mặt nó những nếp nhăn ngang dọc, hai chiếc sừng đã vặt vẹo tàn tích, không còn nguyên vẹn, nhìn thì cũng nhận ra đây là một con Linh Dương đã quá già cỗi. Nó bước ra khỏi đội ngũ, quay sang nhìn bên đội trẻ, kêu lên một tiếng” Yee...”, một con dê ( Linh Dương) trẻ măng chừng hơn một tuổi đời kêu đáp lại một tiếng rồi bước ra...

Một con dê già, một con dê trẻ đi gần đến bên vực thẳm, nhưng rồi chúng lại lùi lại một khoảng cách. Bỗng con dê trẻ tung vó phi nước đại, cùng lúc ấy, dê già cũng dương vó thần tốc đuổi sau. Chú dê con chạy đến bờ vực thì lao mình phóng sang bờ bên kia vực. Dê già cũng cất bước lao theo sau, hai con dê một già một trẻ phóng ra với một thời gian chỉ chênh nhau chút ít, biên độ phi ra cũng chênh nhau chút ít, con dê già vọt theo hơi thấp với con dê trẻ, một trước một sau, một trên một dưới.

Tôi kinh hãi nghĩ rằng, sao tự sát cũng phải kết đôi? Hai con dê này chỉ có mọc cánh mới có thể bay sang bên kia vực được, còn không thì tuyệt đối không thể được. Khi dê con phi ra được chừng 4,5 mét, thân thể bắt đầu rơi xuống, không gian lượn ra thành một hình cung kinh hồn, tôi nghĩ, chỉ còn vài giây, nó sẽ không tránh khỏi rơi xuống vực thẳm. Đột nhiên kỳ tích xuất hiện, dê già với kỹ thuật bay nhẩy thuần thục, trong lúc dê con rơi xuống, thân thể của dê già đã nằm ngay dưới chân dê con. Dê già nắm bắt được thời cơ rất chuẩn xác, khi thân thể nó hứng được bốn vó của dê con thì độ rơi hình cung nằm ở vị trí cao nhất, không khác gì hai phi thuyền đấu nối nhau trong không gian, dê con sau khi chạm được lên lưng dê già thì bốn vó của nó nhờ vào cái đệm của lưng dê già, nhún mạnh bay lên không trung, thân thể đang rơi bỗng chốc đổi hướng bay cao vừa vặn rơi sang bờ bên với cự ly chỉ độ 2 mét. Nó nhanh chóng chạy biến đi sau một tảng đá ven bờ. Còn dê già như một tên lửa đã hết năng lượng, tự động tách khỏi phi thuyền, thậm chí nó còn thê thảm hơn vỏ tên lửa, như một con chim ưng bị gãy cánh, rơi tự do xuống vực thẳm...

Chuyến nhảy thử đầu tiên đã thành công, tiếp theo, từng đôi, từng đôi Linh Dương già trẻ lao đến bên vực, không gian của vùng núi này hiện lên từng đường, từng đường cung liên tiếp nhìn đến hoa mắt, rồi thì những con dê non bay sang bờ kia an toàn, xác của những con dê già rơi lả tã...  

Thật khó tưởng tượng, trực diện với sự hủy diệt tận gốc của gia tộc, Linh Dương lại nghĩ ra một biện pháp hy sinh một nửa để đánh đổi sự sống của một nửa. Tôi càng không nghĩ đến là sự điềm nhiên đối mặt với cái chết của các con dê già – Tâm can tình nguyện hiến dâng sinh mệnh của mình cho thế hệ sau mở ra một con đường sinh tồn.  

Sự thật làm thức tỉnh lương tri, chấn động mạnh mẽ linh hồn tôi, tôi thề sẽ không bao giờ sát hại sinh mệnh nữa.

2. Bò già xin nước

Tôi là một người lính vận chuyển nước, tôi chứng kiến một cảnh tượng mà khiến tôi khóc nức nở...

Tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc có một khu toàn là sa mạc mênh mông. Dân ở khu này sống nhờ vào số nước của bộ đội vận chuyển từ xa lại, mỗi người mỗi ngày chỉ được lĩnh có một cân rưỡi nước dùng cho sinh hoạt. Vẻn vẹn có chút ít nước như vậy cho ăn, uống, rửa ráy...còn dành cho gia súc, gia súc không có nước uống sẽ khát không chịu được.

Rồi có một ngày, một con bò mà mọi người đều cho rằng nó là con bò hiền khô, trung thành và chịu khó bỗng giật đứt giây, xông ra con đường mà đoàn xe vận chuyển nước sẽ đi qua. Con bò cứ đứng đó chờ đợi, nửa ngày trôi qua, đoàn xe chở nước đã đi đến. Chú bò lao vào những xe chở nước ra ý xin nước. Đoàn vận chuyển nước đã bắt gặp rất nhiều con vật chặn đường xin nước, nhưng chưa hề thấy một con nào bất khuất như chú bò này. Quy định của cấp trên là tuyệt đối không để mất một giọt nước trong quá trình vận chuyển, càng đừng nói chi đến cho nước dọc đường.

Ở giữa sa mạc nóng nực, người và bò giằng co nhau, khiến cả một đoạn đường bị tắc ngẽn, xe cộ không lưu thông được. Những xe phía sau bắt đầu bóp còi chửi bới inh ỏi, có người còn lấy xăng đốt lửa nhằm dọa cho bò bỏ đi. Nhưng chú bò già vẫn không động đậy, nó đứng vững như núi Thái Sơn, không bỏ cuộc. Mãi rồi chủ bò mới tìm đến, ông ta thấy hổ thẹn và áy náy, rồi lấy roi quất thật mạnh lên thân con bò gày guộc, con bò bị đánh nổi hằn vết cùng những đường gân xanh của nó, nhưng nó vẫn không di chuyển, sau rồi máu từ từ ứa ra theo những vết lằn roi vọt, màu đỏ nhuộm khắp thân thể con bò, nhuộm đỏ cả cát trắng, nhuộm đỏ cả hoàng hôn....

Tiếng kêu thảm thiết của chú bò già hòa cùng tiếng gió rít lên từ sa mạc, nghe bi thương và xoáy sâu vào lòng người, các chiến sĩ vận chuyển nước bắt đầu khóc, những người lái xe bị tắc đường cũng khóc...

Cuối cùng, một chiến sĩ đứng ra nói:” Cho tôi xin chút nước cho con bò này, vi phạm kỷ luật để tôi một mình hứng chịu.” Anh lấy ra cái chậu, đựng đầy nước, đem lại trước mặt con bò. Con bò không hề uống một ngụm nước, mà nó ngẩng mặt lên bầu trời hoàng hôn hú lên vài tiếng. Trong áng mây chiều, một chú bò con chạy ra từ đường sau một ụ cát, con bò mẹ đầy mình thương tích âu yếm nhìn chú bò con vục đầu ngấu nghiến với nước trong chậu, nó thè lưỡi liếm mắt bò con, chú bò con cũng thè lưỡi liếm mắt bò mẹ, không gian bỗng chốc lặng yên, người ta nhìn thấy những giọt nước mắt lăn xuống gò má bò mẹ...  

Giọt tà dương cuối cùng rồi cũng tan đi trên bầu trời, hai mẹ con bò không đợi tiếng “họ” của chủ nhân, chúng quay đầu đi về nhà, trong sự câm lặng nhưng cảm động sâu thẳm của đoàn người được chứng kiến, trong không gian tĩnh mịch của sa mạc, trước khi đêm đen ùa về...

3. Rái Cá bón sữa

Đây là một câu chuyện thực của một nhà sư, ông làm nghề săn Rái cá trước khi ông ta chưa đi tu.

Một lần, ông bắt được một con Rái cá to, sau khi đã lột được bộ da Rái cá quý giá, ông bỏ lại con Rái cá còn hấp hối trong đám cỏ rậm rồi đưa da về nhà. Buổi chiều, ông quay lại chỗ cất Rái cá nhưng không thấy nó đâu, chỉ thấy một vệt máu kéo dài đến một cái hang đất. Anh thò đầu vào bên trong nhìn thì hết sức kinh ngạc, hóa ra con Rái cá mẹ này đã nhẫn nhịn nỗi đau da thịt mà lê lết về hang, nó làm gì nhỉ?

Người đi săn lôi con Rái cá đã tắt thở từ lâu trong hang ra và càng kinh ngạc hơn, hai con Rái cá con, mắt còn chưa mở đang mút chặt đầu vú của Rái cá mẹ đã chết.

Khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, tâm hồn anh bị giằng xé chấn động đến cực điểm, anh không ngờ rằng động vật lại có một tình mẫu tử như con người, sắp chết rồi còn nhớ cho con bú, sợ con mình bị đói. Càng nghĩ, người đi săn càng đau đớn, tự trách, hối hận, anh cảm thấy mình không còn chốn dung thân cho một tội ác ngẫu nhiên.

Anh đã ngộ ra một điều thiêng liêng nhất của tình người, tình vật, sau đó, anh quyết định bỏ hết mọi hành vi sát sinh, không làm người đi săn nữa, xuất gia tu hành.

Sau mấy năm, mỗi khi anh kể lại câu chuyện này cho mọi người, trong mắt anh vẫn chứa chan ánh lệ...

Tôi kể vậy, để đấy, và im lặng...

FB Peter